Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa

Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa

Nằm ở độ cao khoảng 1.800 m so với mực nước biển, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp. Nơi đây, còn được biết đến giống chè Shan tuyết với nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm cho hương vị chè đặc trưng không nơi nào có được. Với những giá trị đó, người dân, chính quyền địa phương đang nỗ lực để thương hiệu này được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, sử dụng nhiều hơn.

Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa ảnh 1Người dân ở xã Tà Xùa thu hái chè. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Tà Xùa hiện có hơn 200 ha chè Shan tuyết; trong đó, gần một nửa là cây chè cổ thụ, tập trung ở các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh. Do quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành mát mẻ nên cây chè Shan tuyết nơi đây có búp to, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn, màu trắng như tuyết, người dân nơi đây thường gọi là chè tuyết.

Hiện sản phẩm chè Tà Xùa đã trở thành đặc sản của huyện Bắc Yên nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Mùa A Châu, bản Bẹ, xã Tà Xùa chia sẻ, búp chè tươi thu hái đến đâu thì được các công ty, hợp tác xã bao tiêu đến đó. Với hơn 2 ha chè của gia đình, sản lượng chè búp tươi đạt gần 10 tấn/năm, thu về hơn 300 triệu đồng. Nhờ cây chè mà đời sống của gia đình đã khấm khá hơn trước.

Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa ảnh 2Thu hái chè Shan tuyết cổ thụ tại bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Sản phẩm chè búp khô Tà Xùa được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, với giá bán bình quân từ 500-800 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, hiện loại chè chè cổ thụ búp to, khi sao 5 kg chè tươi sẽ được 1 kg chè khô, giá bán trung bình từ 1,2 -1,5 triệu đồng/kg, riêng loại chè thượng hạng giá bán lên đến 2,5 triệu đồng/kg. Hằng năm, người dân xã Tà Xùa thu hái được hơn 300 tấn chè búp tươi, chế biến được hơn 60 tấn chè khô.

Ông Đinh Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa cho biết, hiện nay, cây chè cổ thụ được cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã chung tay bảo vệ, chăm sóc và quản lý chặt chẽ. Chè cổ thụ được giao đến từng hộ gia đình, được hướng dẫn chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Thời gian qua, huyện Bắc Yên đã mời gọi các doanh nghiệp chế biến chè của Việt Nam đến đầu tư và phát huy giá trị của cây chè cổ thụ tại địa phương. Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân bảo vệ, chăm sóc, thu hái và chế biến sâu sản phẩm chè cổ thụ và xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh với Trà xanh mây Tà Xùa, Trà xanh thiện, Bạch trà. Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp và Chè Tà Xùa đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha chè. Hiện du khách đến du lịch Tà Xùa ngày càng nhiều và sản phẩm chè nơi đây trở thành món quà đặc sản được nhiều người lựa chọn.

Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa ảnh 3Thu hái chè Shan tuyết cổ thụ tại bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc chia sẻ, qua khảo sát công ty nhận thấy Tà Xùa là một trong những địa danh có nguyên liệu trà Shan tuyết chất lượng. Vì vậy, công ty đã xây dựng cơ sở chế biến, sản xuất các sản phẩm chè tại xã Tà Xùa. Hiện các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu búp trà Shan tuyết rất phong phú. Từ dòng trà xanh với vị truyền thống tới các sản phẩm thuộc nhóm trà lên men.

Trong số đó các loại trà lên men như trà bánh, trà hoa quả hay bạch trà đang là sản phẩm chủ lực của công ty, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Do các loại trà này có thời hạn sử dụng kéo dài, càng để lâu thì chất lượng trà càng tăng lên. Hiện trung bình hàng năm công ty đã thu mua khoảng 50 tấn búp trà Shan tuyết tươi với giá bình quân là gần 80.000 đồng/kg.

Những năm trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, cây chè cổ thụ không được người dân chăm sóc, đốn tỉa, bảo vệ, bị chết do già cỗi, năng suất, sản lượng chè giảm. Năm 2008, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra, tuyển chọn cây chè Shan cổ thụ đầu dòng tại Bắc Yên, tìm ra và đánh số 60 cây chè đầu dòng, dùng để nhân giống, bảo tồn nguồn gen quý. Cuối năm 2019, Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận quần thể cây di sản đối với 200 cây chè cổ thụ Tà Xùa tại bản Bẹ.

Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa ảnh 4Hiện nay ở bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) có hơn 200 cây chè Shan tuyết thuộc loại cây lâu năm, trong đó cây nhiều năm nhất là 300 năm tuổi. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa ảnh 5Đặt biển đánh dấu mã số cây chè Shan tuyết tại bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) được vinh danh cây di sản Việt Nam. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa ảnh 6Đặt biển đánh dấu mã số cây chè Shan tuyết tại bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) được vinh danh cây di sản Việt Nam. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Để bảo tồn và phát triển cây chè Shan tuyết Tà Xùa, huyện Bắc Yên cũng tiến hành quy hoạch tập trung khu vực trồng chè Shan tuyết, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mông. Đồng thời, hỗ trợ nhân dân phát triển trồng mới diện tích chè, tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, chăm sóc chè; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để chè Shan tuyết Tà Xùa ngày càng có nhiều người biết đến và tin dùng.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa ngày càng được nhiều người biết đến, giá bán sản phẩm được nâng lên, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng chè. Thấy được giá trị từ cây chè mang lại, người dân đã thay đổi nhận thức từ chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến chè đúng kỹ thuật. Nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên, nhiều diện tích chè được công nhận VietGAP và hướng tới sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ.

Cùng đó, huyện Bắc Yên đã ban hành Đề án “Phục tráng vùng chè shan tuyết Tà Xùa”. Mục tiêu là quy hoạch, cải tạo, phục tráng diện tích chè hiện có, phát triển thêm diện tích mới, xây dựng thương hiệu hàng hóa chè đặc sản Tà Xùa. Ngoài ra, hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp đưa thiết bị máy móc hiện đại vào việc sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản nhằm tăng giá trị sản phẩm chè, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Thời gian tới UBND huyện Bắc Yên tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu chè Tà Xùa – một sản phẩm đặc trưng, chủ lực của huyện để nhiều người biết đến, nhằm mạng lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất; đồng thời hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm