Sáng 1/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 và Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 19 - năm 2023.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, Festival sẽ góp phần bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam; trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác.
Thông qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.
Ông Tiến cho biết, sự kiện chính Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 dự kiến tổ chức vào tối ngày 9/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long. Sự kiện sẽ có các nghi lễ: Lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên; tái hiện lễ rước Tổ nghề tại một số làng nghề truyền thống Việt Nam; khai mạc Festival và hội chợ sản phẩm thủ công mỹ nghệ - OCOP; trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Với hội chợ, đến nay, Ban tổ chức đã nhận được sự đăng ký tham gia của trên 100 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế với trên 300 gian hàng trưng bày. Cùng với thành phố Hà Nội, trên 40 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Để thuận tiện cho khách tham quan giao dịch, gian hàng hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt. Điển hình khu Không gian sáng tạo Làng nghề Hà Nội được thiết kế đặc biệt mang đậm nét truyền thống. Không gian trưng bày giới thiệu và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu kết tinh từ việc phát huy truyền thống, sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống của Hà Nội. Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa mang màu sắc văn hóa truyền thống đồng thời tôn vinh nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Cùng với đó là Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ quốc tế ccủa ác tổ chức, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nước các nước: Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga…; Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023; Không gian làng nghề di sản; Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền; Khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu….
Riêng Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 được phát động từ tháng 3/2023 đến nay đã tiếp nhận 400 sản phẩm tham dự của 196 tác giả đến từ các địa phương; trong đó Hà Nội có 255 sản phẩm. Hội đồng giám khảo đã chấm và chọn ra 45 tác phẩm đạt giải trong đó gồm: 5 giải nhất; 10 giải nhì; 15 giải ba và 15 giải khuyến khích. Các sản phẩm đạt giải của hội thi sẽ được trao giải tại lễ khai mạc Festival.
Hưởng ứng Festival, UBND thành phố Hà Nội cũng chủ trì thực hiện nhiều sự kiện: Lễ rước Tổ nghề và tuần văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023, chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu Hội nhập” tại Làng nghề lụa Vạn Phúc; lễ trao giải các sản phẩm Làng nghề Hà Nội đạt giải năm 2023; Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội và trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023; Tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm.
Theo ông Tiến, làng nghề có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Sự phát triển làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động; trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề là 2.008. Các làng nghề thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nhiều sản phẩm làng nghề đã xuất khẩu nhưng theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, sản phẩm xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, bởi vậy, thời gian tới phải nâng tầm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Theo ông Hòa, từ trước đến nay hầu như một số nguyên liệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều khai thác tự nhiên, chưa có định hướng xây dựng vùng trồng và chất lượng nguyên liệu đầu vào. Trong thời gian tới để phát triển bền vững cần tìm kiếm thêm các cơ hội, tạo ra vùng nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu. Thông qua Festival sẽ giúp các làng nghề có thể giao lưu, trao đổi, tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần phải đổi mới sáng tạo, thay đổi thiết kế, mẫu mã, nếu không sẽ khó khăn trong xuất khẩu.
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 9 - 12/11/2023.
Bích Hồng