Ngày 9/10, tại phường Tương Bình Hiệp (thành phố Thủ Dầu Một), tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ công bố Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch".
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Lộc Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một cho biết nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp ra đời và phát triển từ thế kỷ 17 đến nay. Đây là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Những sản phẩm sơn mài của làng nghề, trải qua bao đời được kết tinh từ tinh hoa văn hóa ở vùng phía Bắc du nhập vào địa phương với thổ nhưỡng, chất liệu của địa phương và sự cần cù, sáng tạo của người lao động tạo nên nét phẩm độc đáo riêng tại Bình Dương.
Năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn, phát huy. Ông Nguyễn Lộc Hà khẳng định, việc bảo tồn và phát triển nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của Đảng bộ, chính quyền các cấp và cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, nhân dân địa phương, nhất là các nghệ nhân gắn bó với nghề truyền thống.
Theo đó, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được tỉnh Bình Dương lập một Đề án bảo tồn trên quy mô hơn 6 ha tại phường Tương Bình Hiệp với tổng số vốn đầu tư với hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, làng nghề được quy hoạch với nhiều không gian như: Khu làng nghề chuyên về sản xuất tranh sơn mài truyền thống; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, để kết hợp tham quan du lịch phục vụ mua sắm; khu trải nghiệm quá trình làm ra bức tranh, sản phẩm bằng sơn mài...
Nghệ nhân Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, điêu khắc tỉnh Bình Dương (chủ cơ sở sơn mài Tư Bốn, ở làng nghề Tương Bình Hiệp) cho biết: Trải qua thăng trầm, làng nghề đã mai một dần, số hộ dân bám lại với nghề còn khá ít. Tỉnh quan tâm bảo tồn, tạo điều kiện quy hoạch để đầu tư phát triển làng nghề góp phần gìn giữ làng nghề đã có từ bao đời nay. Thời vàng son, làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp có đến 2.000 hộ tham gia sản xuất với gần 4.000 lao động; nhưng hiện nay chỉ còn vài chục cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, lớn tuổi tại địa phương. Cái khó của làng nghề sơn mài hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống, cần đào tạo thế hệ trẻ. Họ có yêu nghề mới giữ gìn và phát triển được làng nghề.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng khẳng định tỉnh đặc biệt quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phí vật thể quốc gia - nghề sơn mài của làng nghề Tương Bình Hiệp. Ngoài số vốn triển khai khu bảo tồn, tỉnh còn đầu tư hạ tầng kết nối giao thông lên đến 1.000 tỉ đồng để kích cầu thu hút khách du lịch.
Ông Dũng cho biết, Đề án bảo tồn làng nghề Tương Bình Hiệp nằm trong các chuỗi sự kiện chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Chí Tưởng