Các mặt hàng sơn mài được chế tạo tinh tế, khá đa dạng về chủng loại. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN |
Chú trọng thị trường trong nước Cơ sở Mây tre đan xuất khẩu Thành Lộc bắt đầu hoạt động kinh doanh từ năm 2001, chuyên sản xuất sản phẩm mây tre đan kết hợp với các nguyên liệu khác như: sản phẩm kết hợp với gỗ, sản phẩm kết hợp với nhựa, sản phẩm kết hợp với khung sắt, sản phẩm kết hợp với gốm sứ,… Đây là những mặt hàng đan lát thân thiện với môi trường. Giám đốc Cơ sở Mây tre đan xuất khẩu Thành Lộc (Cơ sở Thành Lộc) bà Huỳnh Thị Kim Tuyến cho biết, trước đây sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang các nước châu Âu (không tiêu thụ trong nước). Mỗi tháng, cơ sở xuất khẩu từ 3.000 – 5.000 mặt hàng về đan lát sang các nước như Pháp, Mỹ, Nga và doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm. Khoảng 2 năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển, người Việt cũng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên, chính vì vậy cơ sở phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp với thị trường nội địa. Nếu trước chủ yếu là các sản phẩm thùng, bộ chậu to được làm để xuất khẩu thì giờ cơ sở còn làm thêm những vật dụng nhỏ, tiện ích, màu sắc bắt mắt. Nhờ cải tiến không ngừng, sản phẩm do cơ sở làm ra tiêu thụ ngày một nhiều ở thị trường trong nước. Riêng năm 2017, doanh thu bán trong nước đạt gần 2 tỷ đồng. Theo bà Tuyến, hiện Cơ sở Thành Lộc vẫn xác định thị trường chính là các nước châu Âu. Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước ngày một tăng nên cơ sở còn tập trung quảng bá thương hiệu và sản phẩm ở thị trường nội địa. Để sản phẩm đến với khách du lịch nước ngoài, người Việt Nam, tránh trường hợp cũng là mặt hàng đan lát ở Việt Nam xuất khẩu đi rồi nhập khẩu về bán lại cho chính người Việt. Nhiều năm qua, sơn mài Bình Dương là sản phẩm nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua quá trình 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỷ mỉ và công phu. Một quy trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp tọa lạc tại phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương các sản phẩm sơn mài không chỉ đơn thuần là tranh, gốm sứ mà còn đa dạng với mẫu mã hộp đựng khăn giấy, đồ chặn bút, chén, bát trang trí. Ông Lê Bá Linh (biệt danh nghệ nhân Tư Bốn), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (viết tắt là Công ty Tư Bốn) cho biết: Hiện làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp và các khu vực lân cận có khoảng 90 cơ sở và doanh nghiệp với gần 1.000 lao động làm những công việc liên quan đến sơn mài, giảm khoảng 40% so với năm 2013. Tuy vậy, nơi đây hiện chỉ có trên 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô, còn lại sản xuất theo hộ gia đình. Mấy năm gần đây xu hướng khách nội tìm đến sản phẩm sơn mài khá nhiều nên đầu ra tương đối ổn định.
Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được nhiều khách hàng trong nước lựa chọn. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN |
Sản phẩm sơn mài chủ yếu được bán trong nước, các thương lái đến Tương Bình Hiệp đặt hàng và cung cấp lại cho các khu du lịch ở Vũng Tàu, Nha Trang, Hội An. Đầu ra cho sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều từ các shop kinh doanh hàng lưu niệm tại một số tỉnh, thành nhiều khách du lịch. Đối với thị trường nước ngoài, từ năm 2015 trở về trước, sơn mài Bình Dương xuất khẩu ra các nước như Nga, Mỹ, Pháp. Thời gian gần đây, kinh tế các nước châu Âu (đặc biệt là Nga) gặp nhiều khó khăn, hàng sơn mài xuất khẩu sang các nước này giảm sút. Để thích ứng, Công ty Tư Bốn đang tập trung quảng bá sản phẩm tại các quốc gia như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Theo ông Lê Bá Linh, sở dĩ nghề sơn mài ngày càng thu hẹp là do chi phí đầu vào tăng trong khi sản phẩm sơn mài phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm khác như gốm sứ, tranh thêu, mây tre. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thay đổi, người dân sử dụng nhiều sản phẩm ứng dụng khác dẫn đến kim ngạch xuất khẩu hàng sơn mài giảm đáng kể. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nghệ nhân lành nghề sơn mài hiện rất ít. Bởi làm sơn mài thu nhập thấp, nhiều người bỏ nghề, chuyển sang làm công nhân, tương lai rất có thể nghề thủ công này sẽ thất truyền.Đẩy mạnh thương hiệu Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương cho biết, hiện Bình Dương có 32 làng nghề, 9 nghề truyền thống và 55 làng nghề truyền thống. Để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, rất nhiều nghệ nhân và doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Bình Dương đã linh hoạt tìm lối đi cho những sản phẩm của mình. Ngoài ra, đa phần cơ sở, doanh nghiệp nghề truyền thống có qui mô nhỏ, khả năng tài chính yếu, không đủ nguồn lực để đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại. Việc sản xuất được thực hiện lẻ tẻ, chưa tập trung, hàng xuất khẩu với số lượng ít. Đặc biệt, các cơ sở, doanh nghiệp quan tâm chưa đúng mức đến việc đào tạo nghề cho người lao động, công tác tiếp thị, trưng bày sản phẩm ở hệ thống doanh nghiệp chưa đồng đều. Bên cạnh các thị trường như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… một số thị trường mới như Nga, Cuba và các tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất cũng rất quan tâm chú trọng những mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở Bình Dương. Do đó, ngoài nhiệm vụ là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương luôn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Trong tương lai, tỉnh Bình Dương sẽ thường xuyên mở những hội chợ triển lãm tập trung vào từng ngành nghề để có thể phân loại nhu cầu khách hàng và đưa ra hướng phát triển cụ thể cho từng sản phẩm. Một số giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành nghề truyền thống bao gồm: tăng cường hỗ trợ quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín trong và ngoài nước. Các sự kiện kết nối cung cầu ngành hàng thủ công mỹ nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên internet, hỗ trợ tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (dự kiến ra mắt hoạt động trong năm 2019) nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bình Dương phát triển sản phẩm thương mại thủ công mỹ nghệ. Ảnh : Nguyễn Huyền Trang - TTXVN |
Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống thông qua các chương trình khuyến công như đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Qua đó, ngày càng củng cố và phát triển sản xuất ngành hàng thủ công mỹ nghệ theo hướng hiện đại hóa công nghệ trong các làng nghề sao cho vừa bảo đảm tính nguyên tác. Nhưng, sản phẩm làm ra không mất đi tính truyền thống, tính độc đáo, độ tinh xảo, vừa đẩy mạnh được việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề vốn đã và đang trở thành đòi hỏi cấp bách đối với hầu hết các làng nghề truyền thống Hiệp hội ngành hàng và bản thân doanh nghiệp cần tập trung thực hiện các giải pháp quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, khuyến khích sự sáng tạo và bảo đảm thu nhập cho công nhân và nghệ nhân, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành, góp phần giữ gìn và phát huy ngành sản xuất truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương Phạm Thanh Dũng khẳng định.
Huyền Trang