Bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ

Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao. Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Hà Nội vốn được coi là vùng đất “trăm nghề”. Các làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đã hình thành, phát triển mạnh mẽ, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Làng nghề Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) đã trải qua nhiều thăng trầm. Có lúc tưởng như bị mai một nhưng đến nay, Kiêu Kỵ vẫn bảo tồn, duy trì được tinh hoa của làng nghề. Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - một sự tôn vinh xứng đáng với làng nghề độc đáo này.

Bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ ảnh 1Sản phẩm trâu vàng Tân Sửu 2021 được gia đình nghệ nhân Nguyễn Anh Chung thếp vàng theo đơn đặt hàng. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Tinh hoa làng nghề “độc nhất vô nhị”

“Phá giặc uy danh lừng đất Bắc
Dát vàng tinh xảo nức trời Nam”

Ngâm xong hai câu thơ, nhấp ngụm trà thơm, nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ không giấu được niềm tự hào cho biết: Đây là hai câu thơ mà tất cả người dân Kiêu Kỵ đều thuộc lòng và tự hào về làng mình.

Kể về lịch sử ra đời làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Anh Chung chia sẻ: Xưa có danh nhân Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), ông đỗ Tiến sỹ năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang – Hàn lâm Viện trực học sỹ. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, ông đã học được nghề dát đập vàng để sơn thếp vàng câu đối, hoành phi, tượng…Về nước, ông đã truyền nghề dát quỳ vàng bạc cho dân làng Kiêu Kỵ khi đó thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh này thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề dát quỳ vàng bạc và lấy ngày 17/8 âm lịch (ngày ông rời làng đi) làm ngày giỗ Tổ nghề hàng năm.

Điểm độc nhất vô nhị của làng nghề làm quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ là ông tổ Nguyễn Quý Trị chỉ truyền nghề cho người trong làng và làng nghề này trở thành “độc nhất vô nhị” ở nước ta. Bất kỳ người dân nào trong làng muốn học nghề quỳ vàng đều phải làm lễ khấn Tổ nghề và lập lời thề “không ai được truyền ra ngoài”.

Bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ ảnh 2Gia đình nghệ nhân Nguyễn Anh Chung thếp vàng lên tượng trâu vàng cho khách hàng. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Làng nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ đã tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, có những lúc, nghề này tưởng chừng đã mai một. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề làm vàng quỳ khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng, cung đình. Qua hai cuộc chiến, các hộ dân làm nghề còn rất ít. Nhiều gia đình chuyển hẳn sang làm ruộng hoặc các ngành nghề khác. Phải đến khi đất nước mở cửa phát triển kinh tế, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được khôi phục, nghề làm vàng quỳ truyền thống ở Kiêu Kỵ mới có cơ hội phục hồi…

Người dân làng nghề cũng cải tiến trong nhiều công đoạn trong quy trình, từ 50 công đoạn nay chỉ còn 20. Nhiều công đoạn mất công, thời gian đã được thay thế. Ví dụ như khâu chuẩn bị nguyên liệu vàng, bạc trước đây phải mất một ngày lọc, cán mỏng, nay có thể mua được nguyên liệu vàng chất lượng ngoài thị trường, máy móc hiện đại hỗ trợ. Chiếc búa dùng để đập quỳ cũng được cải tiến để được đập nhanh và hiệu quả hơn.

20 công đoạn còn lại là cả quá trình lao động hết sức tỉ mỉ, yêu cầu cao về kỹ thuật, đòi hỏi sự cảm nhận của con người mà không máy móc nào thay thế được. Đó là việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với nhựa thông, viên nhỏ rồi đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực “lướt”. Quỳ vàng phải đập mỏng đều, không rách đòi hỏi phải tập trung cao độ. Chỉ cần 1 chỉ vàng, người thợ có thể đập mỏng thành 980 lá có diện tích gần 1m2 - điều mà chưa có ngành công nghiệp nào làm được…

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung tiết lộ, bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác là công đoạn làm lá giống để đặt vào các miếng vàng bạc được cán và cắt nhỏ (gọi là điệp). Cứ 49 miếng điệp được xếp xen kẽ giữa 50 lá giống được bó chặt vào để sử dụng cho công đoạn đánh vỡ. Đây là công đoạn mang tính quyết định chất lượng của việc dát mỏng vàng bạc.

Bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ ảnh 3Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung thếp vàng lên tượng cho khách hàng. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Lá giống đạt tiêu chuẩn phải đủ độ dai, đàn hồi để không bị rách, nhưng lại không được phai màu keo lẫn vào vàng, nhất là phải khô để miếng vàng không bị dính vào lá giống. Một điều cần lưu ý khi lướt và đập giấy quỳ là phải loại bỏ giấy rách nát. Chỉ cần sơ ý quên, vàng bạc lúc cho vào đánh quỳ sẽ bị vỡ vụn, hoặc dàn mỏng không đều, ảnh hưởng đến chất lượng của quỳ. Lá giống có thể sử dụng lại khoảng 10 lần tùy thuộc vào độ bền, kinh nghiệm làm của từng nhà…

Những tín hiệu vui từ làng nghề

Bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ ảnh 4Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ vui mừng cho hay, cả làng hiện có hơn 50 hộ làm nghề với từ 300- 400 lao động, thu nhập từ 5-10 triệu/tháng, chưa kể số lao động tỏa đi làm ở các địa phương trên cả nước. Có hộ thuê tới hơn 20 lao động.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, luôn duy trì 10 lao động thường xuyên, quanh năm sản xuất quỳ vàng, mỗi tháng sử dụng khoảng 10 cây vàng để làm nguyên liệu. Thường thì dịp cuối năm là bận rộn nhất, ngoài công việc sản xuất quỳ vàng, gia đình ông còn nhận nhiều đơn hàng thếp vàng lên tượng, đồ thờ cúng, vật dụng trang trí… Ngoài ra, ông còn tự đặt một số hàng gốm sứ, tranh gỗ, sơn mài... để thếp vàng rồi mang ra trưng bày, giới thiệu và bán cho người có nhu cầu.

Bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ ảnh 5Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Làng nghề phát triển đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Chị Lê Thị Hòa, 58 tuổi, đã làm công cho gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp hơn 20 năm qua. Chị thấy công việc này đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó, cho thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Trung bình mỗi tháng, chị thu nhập hơn 4 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Ninh, 24 tuổi, con trai cả của ông Nguyễn Văn Hiệp đã có 12 năm kinh nghiệm làm nghề. Anh cho rằng, nghề này không thể giàu nhanh, nhưng công việc ổn định, thu nhập cũng khá nên anh muốn gắn bó cả đời với nghề. Anh mong muốn được chính quyền hỗ trợ anh và lớp thanh niên trong làng nói chung được vay vốn khởi nghiệp, mở rộng sản xuất...

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung cho biết, để nghề truyền thống của cha ông phát triển hơn nữa trong đời sống ngày nay, người dân làng nghề đã tìm tòi, sáng tạo và tìm hướng đi mới để quảng bá và phát triển làng nghề. Ngày nay, ngoài những sản phẩm truyền thống, người dân trong làng nghề còn sử dụng kĩ thuật thếp vàng thực hiện trên nhiều sản phẩm quà tặng, đồ vật trang trí, hay các công trình kiến trúc…, được nhiều khách hàng ưa chuộng và tìm đến.

Bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ ảnh 6Sản phẩm trâu vàng Tân Sửu 2021 được gia đình nghệ nhân Nguyễn Anh Chung thếp vàng theo đơn đặt hàng. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung cũng thực hiện nhiều công trình lớn, tốn nhiều thời gian và công phu. Như năm 2020, gia đình ông đã nhận thếp vàng, trang trí hoa văn cho một tư gia ở Bắc Giang, phải mất vài tháng, thuê thêm hàng chục nhân công mới hoàn thành. Cuối năm 2020, ông nhận được đơn hàng thếp vàng lên hàng ngàn con trâu làm tặng phẩm và phải hết tháng Giêng năm Tân Sửu mới hoàn thành.

Người dân làng nghề Kiêu Kỵ luôn mong muốn đưa sản phẩm dát vàng, bạc đến với thị trường quốc tế; được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, làng nghề ngày càng phát triển bền vững.

Danh Lam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm