Không dùng hóa chất tẩy trắng, không pha phẩm màu, không chất bảo quản, sản phẩm miến dong Hương Ngọc sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống tại xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc nổi tiếng gần xa bởi sợi miến dẻo, dai, thơm ngon không nơi nào sánh bằng.
Theo người dân địa phương, nghề làm miến dong ở xã Ngọc Liên đã có từ rất lâu đời. Miến dong xã Ngọc Liên làm hoàn toàn bằng củ dong riềng. Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, người dân trong xã đã phát triển hơn 20 ha trồng dong riềng đỏ.
Củ dong riềng được bà con nông dân xã Ngọc Liên trồng vào tháng 1, tháng 2 hàng năm ở những vùng đất màu mỡ tươi tốt trên những đồi cao - nơi có sương mù bao phủ. Để đến dịp cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, cây dong riềng được thu hoạch cũng là thời điểm người dân trong xã bắt tay vào vụ sản xuất miến.
Quá trình làm miến dong tương đối cầu kỳ, củ dong riềng khi đủ độ già sẽ được thu hoạch, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ và các phần bị hỏng sau đó đưa vào máy nghiền. Hỗn hợp sau khi nghiền sẽ được lọc nhiều lần với nước sạch để loại bỏ chất bẩn cho đến khi nước trong lắng lấy bột. Tinh bột này sẽ được đem đi phơi khô để thu được bột dong giềng nguyên chất nhất. Những mẻ bột dong này sẽ để được cả năm, giúp người làm miến ở xã Ngọc Liên có thể chủ động trong khâu sản xuất miến.
Bột dong riềng sau khi qua sơ chế, ngâm ủ, lọc tạp chất sẽ được đem đi tráng thành bánh. Công đoạn tráng bánh hoàn toàn thủ công nên sợi miến chín đều và đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mẩn của người làm nghề. Muốn sợi miến đều, đẹp thì phải tráng mỏng, đều tay, căn lượng bột và thời gian vừa đủ.
Là hộ gia đình đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống, sáng nào, chị Dư Thị Phương, thôn 4, xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc cũng ngồi tráng bánh bên bếp lửa.
Chị Dư cho biết: "Làm miến có thể làm quanh năm, nhưng bắt đầu từ tháng 10 trở đi công việc sẽ bận rộn hơn do nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm. Thời điểm 2 tháng giáp Tết, gia đình tôi phải thuê khoảng 5-10 lao động để sản xuất, vận chuyển miến đến các cơ sở tiêu thụ. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng miến làm ra đến đâu là bán hết đến đó, chưa bao giờ lo ế."
Xã Ngọc Liên có 50 hộ làm miến dong; trong đó, có 20 hộ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên, quy mô lớn. UBND xã Ngọc Liên đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Thành Công để liên kết các hộ trong xã làm miến dong tập trung phát triển, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm miến dong Hương Ngọc bằng việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, chú trọng quảng bá sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Anh Lê Quang Lịch, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Thành Công, xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc khẳng định, trước kia, người dân làm miến hoàn toàn thủ công nên năng suất thấp, hiệu quả không cao. Gần đây, người làm miến đã chủ động đầu tư máy móc vào một số công đoạn sản xuất nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm miến dong vì thế cũng được cải thiện đáng kể.
Mới đây, sản phẩm miến dong Hương Ngọc đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, ngoài tiêu thụ nội tỉnh, miến dong Hương Ngọc đã và đang phát triển tại các thị trường tiềm năng như: Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh… Dự kiến năm 2021, hợp tác xã sẽ bao tiêu 70 tấn miến cho các hộ sản xuất.
Theo những người làm nghề, sở dĩ, miến dong Hương Ngọc được người tiêu dùng tin tưởng vì làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên là củ dong riềng, không qua bất cứ công đoạn tẩy trắng hay sử dụng phẩm màu. Khi nấu lên sợi miến mềm, trong, thơm, dai, vị ngọt mát, dù có để trong nước hoặc nấu lại thì sợi miến vẫn dai, không bị dính, nát như các loại miến khác. Được làm từ tinh bột, nhưng miến dong Hương Ngọc lại có tính mát, nhiều chất xơ, không chứa chất béo và bổ sung ít calo. Do đó, đây là thực phẩm tuyệt vời cho những ai muốn giảm cân và duy trì cân nặng.
Không chỉ vậy, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Thành Công cũng rất chú trọng hình thức sản phẩm với bao bì nhãn mác đẹp, đầy đủ thông tin về xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định với mong muốn tới đây sẽ đưa sản phẩm miến dong Hương Ngọc vào hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Ông Đặng Văn Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa cho biết, miến dong Hương Ngọc là sản phẩm truyền thống của địa phương, hiện đang dần khẳng định thương hiệu và là một trong những sản phẩm nổi bật của tỉnh Thanh Hóa.
Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển mở rộng quy mô và chất lượng để miến Hương Ngọc thực sự trở thành sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện và quanh vùng. Huyện cũng đang phấn đấu đến cuối năm có thêm 3 sản phẩm là mật ong, dưa vàng xã Kiên Thọ, tinh bột sắn xã Ngọc Liên đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng cũng như duy trì chất lượng, thương hiệu, thời gian tới, huyện Ngọc Lặc sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây dong riềng; đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cũng như kiểm soát chặt chẽ đầu vào nhằm quản lý nhãn hiệu miến dong Hương Ngọc ngày càng bền vững. Huyện cũng đang lên kế hoạch khôi phục giống dong riềng đỏ đặc trưng của địa phương để cho ra đời dòng sản phẩm chuyên biệt “Miến dong rừng đỏ” mang sắc thái riêng của huyện miền núi Ngọc Lặc.
Hoa Mai