Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm miến dong xóm Gò

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm miến dong xóm Gò

Những ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bà con xóm Gò, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang hối hả thu hoạch những ruộng dong để chuyển đến các cơ sở làm miến. Dọc con đường vào xóm, trên mái nhà, ở khoảng sân của các hộ làm nghề, những phên miến dong trắng ngần phơi dưới nắng tạo nên bức tranh làng quê khá đẹp và yên bình.

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm miến dong xóm Gò ảnh 1Sản phẩm miến dong trước khi được đóng gói bao bì. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Với địa hình đất cao được bồi đắp bởi phù sa từ sông Ninh Cơ, chất đất của Hải Minh là điều kiện lý tưởng cho cây dong phát triển. Hằng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, người dân bắt đầu xuống giống cây dong. Đây là loại cây dễ trồng, tuy không mất công chăm sóc, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng phải chờ đến cuối năm, khi thân cây ngả vàng mới cho thu hoạch để làm miến.

Ước tính, toàn xã có trên 15 ha diện tích trồng dong, tập trung chủ yếu ở xóm Gò. Cũng vì vậy, nghề làm miến dong được xem là nghề gia truyền của mỗi hộ dân nơi đây.

Trước đây, người dân xóm Gò làm miến thủ công, nghiền củ dong bằng cối đá để lấy tinh bột, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, điều đó giúp cho sợi miến dai, giòn tự nhiên, ăn vị ngọt mát và thơm đặc trưng. Việc làm miến ban đầu để giải quyết nguồn nguyên liệu sẵn có, sau dần trở thành nghề giúp nâng cao kinh tế cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Đồng, một chủ hộ sản xuất miến ở xóm Gò cho biết, gia đình đã 20 năm gắn bó với nghề làm miến. Trước kia, làm miến thủ công, mỗi ngày chỉ sản xuất được khoảng 1 tạ miến nhưng nay nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến hơn, mỗi ngày làm được trên 1 tấn sản phẩm. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có tại địa phương, công nghệ bảo quản tiên tiến, việc làm miến diễn ra quanh năm, không còn mang tính thời vụ như trước.

Hiện ngoài những hộ làm miến nhỏ lẻ, xóm Gò có 4 cơ sở sản xuất miến dong lớn. Năm 2019, xã Hải Minh lựa chọn sản phẩm miến dong tại cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Đồng xây dựng sản phẩm OCOP của xã. Đây là một trong hai sản phẩm miến dong được công nhận OCOP tỉnh Nam Định.

Ông Đồng cho hay, để đáp ứng tiêu chuẩn mỗi xã một sản phẩm, gia đình đã chú trọng từng khâu trong quá trình sản xuất. Từ việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch đến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động. Hiện nay, cơ sở đã đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc sản xuất gồm: máy lọc tách bột, máy cắt và hệ thống đóng gói bao bì khép kín. Toàn bộ quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, có bao bì, nhãn mác, mã vạch, chứng nhận của ngành chuyên môn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Theo ông Đồng, khi chưa xây dựng thương hiệu, sản phẩm miến của gia đình bán ra thị trường không có nhãn mác và dù đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh cũng như chất lượng nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là bán cho các tiểu thương trong tỉnh.

Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào cuối năm 2020, sản phẩm của gia đình ông được tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, có cơ hội giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng nên nhiều khách hàng đã chủ động tìm đến đặt hàng, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm miến dong xóm Gò ảnh 2Ngày nắng miến được phơi tự nhiên còn trong những ngày mưa, trời râm, miến được sấy khô để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Trung bình mỗi tháng gia đình ông sản xuất gần 30 tấn sản phẩm, doanh thu ước đạt 60 triệu đồng/tháng. Những tháng cận Tết, sản phẩm làm ra ngày nào, thương lái đến lấy hết ngày đó. Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm củ dong cho người dân trong vùng, cơ sở sản xuất của gia đình ông Đồng đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 công nhân với mức lương từ 250.000 - 350.000 đồng/người/ngày.

Ngoài miến dong, sản phẩm mỳ gạo Huệ Đồng của gia đình ông cũng đạt chất lượng OCOP 3 sao. Điều này giúp cơ sở của ông mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển kinh tế gia đình; đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hải Minh Phạm Thanh Phong khẳng định, việc được công nhận sản phẩm OCOP giúp cơ sở sản xuất phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm đã được công nhận, xã tích cực tuyên truyền đến các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tiếp tục đổi mới công nghệ sản xuất; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo mọi điều kiện giúp các hộ dân phát triển, mở rộng sản xuất, nâng cấp sản phẩm lên chất lượng cao hơn.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hải Minh thông tin, bên cạnh các sản phẩm đã được công nhận, xã sẽ tiếp tục lựa chọn những sản phẩm thế mạnh của địa phương như rượu nếp, bột sắn dây... để hướng dẫn các hộ dân xây dựng và đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và đời sống nhân dân.

Nguyễn Lành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm