1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây đinh lăng. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Cây đinh lăng được trồng bằng hạt. Ảnh minh họa. |
Đất trồng
Đinh lăng là loại có cây thể phát triển ở nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ cho năng suất cao nếu được trồng trên đất pha cát tới xốp, thông thoáng và khả năng giữ ẩm ở mức độ trung bình. Đinh lăng là loài cây không chịu được sự khô hạn nhưng cũng không ưa đọng nước.
Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Giống
Đinh lăng có thể trồng bằng hom giống hoặc hạt. Tuy nhiên, người ta thường chọn việc trồng bằng hom bởi tiện lợi hơn. Hiện nay trên thị trường có 2 loại chính và dân gian thường gọi là đinh lăng nếp và đinh lăng tẻ:
- Đinh lăng tẻ là loại cây có lá to, vỏ sần sùi, củ nhỏ, rễ thường ra ít, cứng và có vỏ bì rất mỏng nên năng suất không cao.
- Đinh lăng nếp hoàn toàn ngược lại với đinh lăng tẻ. Lá của nó nhỏ và xoăn hơn, vỏ cây nhẵn, củ to, rễ thường mềm, vỏ bì dày và phát triển rất mạnh nên cho chất lượng tốt và năng suất cao. Vì thế, loại giống này được nhiều người lựa chọn gieo trồng.
Cây giống bạn có thể mua sẵn ở vựa giống hoặc trồng từ cành đinh lăng mẹ. Khi chọn giống, nên chọn những cành cây bánh tẻ (không quá già cũng không quá non). Sau đó dùng dao sắc để chặt cành ra thành từng đoạn dài 25 - 30cm, tránh để các đoạn giống bị dập 2 đầu.
Rất nhiều hộ gia đình trồng chậu đinh lăng trên sân thượng. Ảnh minh họa. |
2. Trồng cây
Trồng bằng hom giống: Sau khi lựa giống và chuẩn bị đất xong, đặt hom giống nghiêng 45 độ theo mặt hố đã chuẩn bị sẵn, sau đó lấp hom, để hở đầu hom trên mặt đất 5cm.
Trồng bằng cây giống: Sau khi xé túi bầu, cây giống đặt giữa hố trồng, lấp đất, dùng tay nén nhẹ đất xung quanh túi bầu.
Trồng xong, phủ rơm rạ lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp. Khi trồng xong, nếu đất khô phải tưới nước đảm bảo độ ẩm cho đất trong vòng 25 ngày nhưng không để ngập nước. Nếu trời mưa liên tục phải thoát nước ngay để tránh thối hom giống.
Khoảng cách trồng: 40 x 50cm hoặc 50x50cm.
3. Chăm sóc
Thường xuyên cung cấp đủ độ ẩm để tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất. Vào mùa mưa, phải thoát thước cho cây để tránh bị thối.
Khi cây trồng được khoảng 2 tháng tuổi, tiến hành bón thúc bằng phân hữu cơ, phân trùn quế, phân dê… Cứ khoảng 1 - 2 tháng lại tiến hành bón đợt tiếp theo. Mỗi lần bón phân kết hợp với làm cỏ và vun xới.
Khi cây được 2 năm tuổi trở đi, cắt bỏ bớt cành và lá thừa (chỉ để lại 1 - 2 cành to) vào khoảng tháng 4 và tháng 9 hằng năm để thúc cây nhanh phát triển hơn.
Củ đinh lăng . Ảnh : thaoduocvietnam.com.vn |
4. Thu hoạch
Đinh lăng sau khi trồng được 3 năm thì có thể thu hoạch vào bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào khoảng tháng 11 và tháng 12.
Thu hoạch lá trước khi thu hoạch vỏ và rễ. Lá thu được đem hong gió hoặc sấy cho khô (âm can).
Củ và rễ đinh lăng sau khi thu hoạch cần được chế biến trong khoảng 5 ngày bằng cách thái lát mỏng rồi phơi hoặc sấy khô để tránh bị mốc và hỏng./.