Phum, sóc vùng sâu Sóc Trăng chuyển mình phát triển

Phum, sóc vùng sâu Sóc Trăng chuyển mình phát triển

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng thay đổi nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước về chính sách; sự sâu sát của các cấp chính quyền địa phương trong định hướng, chung tay cùng người dân thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế. Trong đó phải kể đến việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phum, sóc vùng sâu Sóc Trăng chuyển mình phát triển ảnh 1 Nông dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) thu hoạch lúa. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Xã Đại Tâm là địa phương ở vùng đồng bào dân tộc đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 83% dân số của xã. Địa phương này cũng là một trong những “lá cờ đầu” về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Xuyên.

Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây đã dần được “đẩy lùi”. Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 20%, thu nhập của người dân thấp, hộ khá giả chưa nhiều. Đến năm 2015, khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 5,6%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn hơn 2%.

Về Đại Tâm hôm nay, các tuyến đường trên địa bàn xã đã được nối liền nhau và không còn cảnh con đường lầy lội, sình bùn của chục năm trước. Những căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát trước kia được thay bằng những căn nhà vững chãi, khang trang… Anh Thạch Minh Dương ở ấp Tâm Lộc (Đại Tâm) chia sẻ, trước đây, kinh tế gia đình của hai vợ chồng anh rất bấp bênh, phải thường xuyên đi làm mướn. Đến khi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ và phát triển bò sữa, cuộc sống của gia đình anh đã được cải thiện nhờ nguồn thu bán sữa bò. Qua gần 10 năm, đến nay từ những con bò giống ban đầu, gia đình anh Thạch Minh Dương đã phát triển lên đàn bò được hơn 10 con, nguồn thu từ đàn bò sữa đủ đảm bảo cho cuộc sống của gia đình.

Ông Trần Chín Tâm, Chủ tịch UBND xã Đại Tâm cho biết, để hướng đến việc giảm hộ nghèo trên địa bàn xã, địa phương luôn tạo điều kiện vay vốn, hướng nghiệp, tổ chức đào tạo nghề cũng như tạo điều kiện về việc làm cho đồng bào dân tộc có việc làm ổn định, giúp đời sống ngày càng phát triển, sinh kế của người dân được đảm bảo. Cùng với đó, địa phương luôn tích cực định hướng sản xuất, hỗ trợ người dân trong việc liên kết sản phẩm, nâng cao năng suất, tăng thu nhập, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.

Là địa phương có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất trong tỉnh Sóc Trăng với hơn 92% dân số, lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, trước đây xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) có xuất phát điểm thấp, hạ tầng giao thông yếu kém, đời sống kinh tế sản xuất của người dân còn nhiều khó khăn và lạc hậu. Nhưng chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tính tự giác và chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương phát triển, văn minh đã được người dân vùng sâu, vùng xa này phát huy rất tốt.

Hưởng ứng chương trình “Thắp sáng đường quê” của địa phương, Đại đức Liêu Huyền, Trụ trì chùa Bưng Cóc đã vận động bà con phật tử trong và ngoài phum sóc góp được trên 200 triệu đồng để xây dựng trên 70 cột đèn bê tông, 70 bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời. Do thấy được lợi ích mang lại, nhân dân, bà con phật tử hưởng ứng rất tích cực.

Ông Sơn Sà Ranh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cũng thông tin, thấy được lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới nên đồng bào tích cực tham gia. Nhiều hộ gia đình tình nguyện hiến đất làm tuyến tỉnh lộ, huyện lộ vào trung tâm xã, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Điểm nổi bật chính là sự tích cực làm ăn kinh tế của người dân, nhất là các hộ từ nghèo khó trước đây nay vươn lên ổn định, cuộc sống khá giả.

Ông Sơn Sà Ranh nhấn mạnh, từ khi nhận được sự hỗ trợ và đầu tư của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp tỉnh, huyện trong việc đề ra, thực hiện các mục tiêu phù hợp với đặc thù của địa phương, đến nay đời sống kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thương của người dân xã Phú Mỹ đã có bước phát triển đáng kể. Địa phương cũng đang tích cực trong việc xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò sữa, bò thịt, trồng rau màu trong nhà lưới, trồng màu dưới chân ruộng…

Ông Đồ Văn Col ở xã Phú Mỹ cho biết, trước đây phần đông người dân chỉ trồng một vụ lúa với suy nghĩ “làm được bao nhiêu, ăn bấy nhiêu”. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai, giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ trong làm nông nghiệp. Với trên 3 ha đất, gia đình ông Đồ Văn Col đều sử dụng giống lúa chất lượng cao, bán được giá và được thị trường ưa chuộng. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất đạt trung bình từ 6-8 tấn/ha và lợi nhuận của gia đình đều đảm bảo trong mỗi vụ sản xuất.

Với sự quan tâm đầu tư, động viên kịp thời của Đảng và Nhà nước cùng những chính sách đã và đang được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả ở các phum sóc vùng đồng bào Khmer trong tỉnh; sự sâu sát trong công tác chỉ đạo, định hướng, đề ra những mục tiêu phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù từng địa phương, phum sóc từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng bào Khmer Sóc Trăng luôn vững tin và nỗ lực phát triển kinh tế, tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển, phồn vinh của quê hương.

Chanh Đa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm