Nằm bên tuyến đường Quốc lộ 279, Khu tưởng niệm Noong Nhai, thuộc bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) với điểm nhấn là bức tượng người phụ nữ đang bế đứa con đã bị bom Pháp giết chết trên tay, minh chứng cho quá khứ đau thương của 70 năm về trước. Sau 7 thập kỷ đến nay, nỗi đau Noong Nhai dần được chữa lành bởi thời gian, bản làng giờ đây khoác lên mình diện mạo mới trù phú, đồng bào các dân tộc đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Quá khứ đau thương
Sau Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, tỉnh Lai Châu (khi đó gồm Lai Châu và Điện Biên) được giải phóng. Nhân dân các dân tộc Điện Biên được sống trong chế độ mới vừa tròn một năm thì ngày 20/11/1953 quân Pháp nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ, với ý đồ thực hiện Kế hoạch Navarre. Thực dân Pháp đã huy động hàng trăm lượt máy bay, hàng chục xe tăng, xe ủi đất, hàng trăm pháo lớn các loại, hàng ngàn tấn bom đạn và phương tiện chiến tranh cùng hàng vạn quân tinh nhuệ chiếm đóng Điện Biên Phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh, một pháo đài không thể công phá gồm 3 phân khu, 8 cụm và 49 cứ điểm. Cùng với đó, chúng gom toàn bộ dân vùng lòng chảo vào 4 trại tập trung, trong đó có trại tập trung Noong Nhai. Trại tập trung Noong Nhai chưa đầy 10 ha nhưng có hơn 3.000 dân sinh sống, phần lớn là người dân tộc Thái, đến từ các xã Thanh Xương, Thanh An, Sam Mứn, Noong Hẹt và Noong Luống.
Âm mưu của địch là cách ly người dân với bộ đội Việt Minh và làm bia đỡ đạn cho lính Pháp nếu Việt Minh đánh vào Điện Biên Phủ; đồng thời, làm khổ sai không công cho quân Pháp. Hằng ngày, cánh trai tráng khỏe mạnh bị quân Pháp dồn đi lính; số đàn ông luống tuổi bị bắt đi xây dựng đồn bốt, chiến lũy; trong trại chỉ còn lại những người già yếu, phụ nữ và trẻ em, sống chen chúc trong những túp lều cỏ tranh lụp xụp.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ hai, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rơi vào tình thế bị bao vây, đứng trên bờ vực bị tiêu diệt. Trong cơn tuyệt vọng, chiều 25/4/1954, quân Pháp đã cho 4 máy bay Dacota xuất phát từ hướng Nam bay thẳng tới trại tập trung Noong Nhai và điên cuồng dội bom sát thương. Trong vụ thảm sát này, 444 người chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em đã thiệt mạng.
Sau 7 thập kỷ, theo thời gian, quá khứ đau thương có thể được chữa lành nhưng trong ký ức của người dân xã Thanh Xương thì vụ thảm sát ở Noong Nhai vẫn còn ám ảnh, đặc biệt là ngày 25/4, cách đây 70 năm, 444 người dân vô tội đã bị bom Pháp giết hại.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Noong Nhai 1 Lò Văn Pâng chia sẻ, để tưởng niệm sự kiện đau thương ngày 25/4/1954, chính quyền địa phương đã cho xây dựng Khu tưởng niệm Noong Nhai, với bức tượng người mẹ bế đứa con bị chết cháy trên tay, thể hiện tình thương vô hạn của người mẹ đối với đứa con bị bom Pháp giết hại. Khu tưởng niệm được xây dựng để nhân dân Điện Biên nói riêng cũng như nhân dân Việt Nam nói chung thể hiện sự tiếc thương đối với những người đã khuất; đồng thời nhằm giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn có ý thức giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, người dân bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, luôn đoàn kết, gắn bó, giúp nhau dựng nhà, làm kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, Noong Nhai 1 không còn hộ nghèo, bản làng được xây dựng ngày một khang trang, đường thôn được đổ bê tông sạch đẹp, con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.
Diện mạo mới trên vùng đất lịch sử
Đã 70 năm trôi qua, bản Noong Nhai 1, nơi thực dân Pháp từng xây dựng trại tập trung giờ đây nằm ở trung tâm xã Thanh Xương, với 92 hộ dân, 387 nhân khẩu. Thời gian đã chữa lành những đau thương, mất mát. Bản làng giờ đây có diện mạo mới với nhà cửa khang trang, một vùng đất trù phú đã xuất hiện trên mảnh đất lịch sử.
Toàn xã Thanh Xương hiện có 22 thôn, bản, hơn 2.140 hộ dân, với 8.750 nhân khẩu, chủ yếu là hai dân tộc Kinh và Thái sinh sống. Thanh Xương được coi là một trong những xã điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên. Năm 2023, xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, trên địa bàn xã có 12/22 thôn, bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,56%, hộ cận nghèo còn 0,65%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, đến nay toàn xã có 20/22 thôn bản đã được công nhận Thôn, Bản văn hóa. Năm 2023, toàn xã có trên 1.900/2.140 hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, 268 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa xuất sắc 3 năm liên tục (2021-2023). Xã phấn đấu đến năm 2025, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V.
Ông Quàng Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn đoàn kết, đùm bọc, giúp nhau phát triển kinh tế. Người dân tích cực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, từng bước ổn định và nâng cao đời sống. Xã có lợi thế với cánh đồng Mường Thanh màu mỡ cho năng suất lúa nước khoảng trên 65 tạ/ha. Hiện nay, toàn xã có 4/4 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tất cả thôn bản đều đã được đầu tư điện lưới quốc gia, nước sạch và giao thông thuận tiện.
Sau 70 năm, từ mảnh đất chịu nhiều đau thương, xã Thanh Xương đã thay da đổi thịt. Đến Thanh Xương hôm nay, chúng ta sẽ được chứng kiến hai bên tuyến Quốc lộ 279 là cánh đồng Mường Thanh bát ngát màu xanh và Khu đô thị Bom La đang ngày càng sầm uất, phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Xương đang không ngừng nỗ lực để xây dựng bản làng ngày thêm giàu đẹp, đồng bào các dân tộc thêm đoàn kết, gắn bó để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống tạo nên diện mạo mới của vùng nông thôn ấm no và hạnh phúc.
Phan Quân