Hội Nông dân Việt Nam xây dựng hơn 8.000 mô hình xử lý rác thải

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo sơ kết dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

hoinongdanxulyracthai.png
Hội thảo sơ kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Ảnh: danviet.vn

Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mai Bắc Mỹ cho biết: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt; 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi. Những chất thải, phụ phẩm này có rất nhiều công dụng trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn nhưng hiện nay phần lớn đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, việc quản lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có thể giúp gia tăng thu nhập của người nông dân.

Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE) xây dựng Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế". Dự án thực hiện trong 4 năm (từ 2021 đến 2024), tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự án có 5 mục tiêu chính là: Biến rác thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý, tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên tác hữu cơ; Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; Bảo vệ môi trường; Cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; Nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 30 khóa tập huấn giảng viên nguồn (TOT) về xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 470 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại 15 tỉnh, thành phố; tổ chức 530 lớp tập huấn cho hơn 14.500 lượt hội viên nông dân về xử lý rác thải thân thiện với môi trường. 100% nông dân tự nguyện cam kết áp dụng các kỹ thuật đã được học.

Đặc biệt, thực hiện Dự án, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng được hơn 8.000 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Trong đó, gần 2.000 mô hình lên men phụ phẩm làm cây trồng thức ăn chăn nuôi; hơn 2.000 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng Trichoderma; gần 1.400 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; hơn 1.300 mô hình nuôi sâu canxi; hơn 1.300 mô hình nuôi sâu trùn quế.

Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Mai Bắc Mỹ nhấn mạnh: Dự án đã bước sang giai đoạn tập trung đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình xử lý rác thải. Ban Quản lý Dự án các tỉnh, thành phố bám sát hướng dẫn tổ chức các sự kiện truyền thông và hướng dẫn tổ chức các chuyến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời, cần xây dựng kịch bản cụ thể và phân công nhiệm vụ của từng thành viên trước mỗi hoạt động. Đặc biệt, việc lựa chọn đúng các mô hình thực sự hiệu quả và đảm bảo kỹ thuật để tuyên truyền, lựa chọn các đối tượng phù hợp tham gia từng hoạt động cũng cần được quan tâm.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thống nhất các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện tốt Dự án trong thời gian tới./.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm