Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, hằng ngày, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng từ 501,97 tấn/ngày đến 600 tấn/ngày, trong đó, phát sinh nhiều nhất là thành phố Mỹ Tho (khoảng 172 tấn/ngày) và thấp nhất là Tân Phú Đông (trên 6 tấn/ngày).
Các địa phương đều hợp đồng và bố trí các điểm thu gom, xử lý rác thải thông qua các đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày theo phạm vi từng địa bàn huyện, thành, thị xã.
Toàn tỉnh có 8 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có 6 bãi chôn lấp đang hoạt động, 2 bãi chôn lấp đã ngừng hoạt động. Đa phần các bãi chôn lấp đều trong tình trạng quá tải, chưa thực hiện đúng quy trình chôn lấp hợp vệ sinh, mùi hôi và nước rỉ rác ảnh hướng đến môi trường xung quanh.
Các dự án về xử lý rác thải như: Nhà máy xử lý rác thải tại Bãi rác Tân Lập 1, huyện Tân Phước và dự án xử lý rác thải tại Bãi rác Long Chánh, thị xã Gò Công còn chậm được triển khai xây dựng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chủ động xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Phương, trước tình hình trên, Sở tăng cường xử lý rác thải sinh hoạt gắn với triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm ảnh hưởng sản xuất và đời sống nhân dân.
Tất cả các huyện, thành, thị bố trí phương tiện, nhân lực thu gom rác thải sinh hoạt cũng như bố trí các điểm tập kết rác thải sinh hoạt phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.
Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại rác tại nguồn; tổ chức phổ biến tài liệu truyền thông về bảo vệ môi trường liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt, triển khai phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt gắn với xây dựng xã, huyện nông thôn mới đạt hiệu quả và đang được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu gom, vận chuyển rác thải nhất là khu vực nông thôn; vận động người dân không đổ rác, các bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xác súc vật chết bừa bãi nơi công cộng…; có chính sách khen thưởng đối với các sáng kiến, giải pháp, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.
Ông Đoàn Văn Phương cũng cho biết, về lâu dài, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu gương bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và mọi người cần giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường… Tỉnh cũng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường gắn với công tác phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục các nguồn gây ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Minh Trí