Sóc Trăng xây dựng thương hiệu cho các nông sản, đặc sản

Gạo ST24 của Sóc Trăng được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Ảnh : thoibaotaichinhvietnam.vn
Gạo ST24 của Sóc Trăng được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Ảnh : thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện Đề án của Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP), tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, sản phẩm của địa phương; qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Sóc Trăng xây dựng thương hiệu cho các nông sản, đặc sản ảnh 1Gạo ST24 của Sóc Trăng được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn
 

Trong đợt tuyển chọn sản phẩm OCOP 6 tháng đầu năm 2020 mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã lựa chọn và công bố thêm 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao là: Bắp (ngô) non đóng hộp, hạt sen đường phèn (của Công ty Chế biến thực phẩm nấm xuất khẩu Tư Thao); còn lại là 18 sản phẩm đạt 3 sao.

Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Sóc Trăng năm 2019, với 39 sản phẩm được công nhận; trong đó có 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 23 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Như vậy, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 75 sản phẩm xếp hạng OCOP gồm 51 sản phẩm đạt 3 sao và 24 sản phẩm đạt 4 sao.

Hiện Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cũng đã đề xuất Hội đồng Trung ương thăng hạng 5 sao cho 8 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP trong năm 2019 gồm: Gạo thơm ST24, Trà mãng cầu hương vị đậm đà, trà mãng cầu hương vị thuần túy, trà mãng cầu túi lọc, gạo Tài Nguyên hiệu Phú Khang, nấm rơm đóng hộp, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, nấm linh chi thái lát.

Tỉnh Sóc Trăng dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có hơn 80 sản phẩm OCOP được chứng nhận; mỗi huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh sẽ ít nhất có 3 sản phẩm trở lên được chứng nhận lựa chọn sản phẩm chủ lực.

Theo ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đa số các sản phẩm OCOP của tỉnh được công bố xếp hạng mới đây đều được đánh giá đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhờ vậy, qua khảo sát của ngành chức năng, doanh thu bán từ các nhóm sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh Sóc Trăng đã tăng từ 10% đến 30%, đặc biệt, có sản phẩm được công nhận OCOP của công ty, doanh nghiệp tăng doanh thu lên đến 150% so với trước khi công bố.

Lãnh đạo Sở Công Thương Sóc Trăng cũng khẳng định, Chương trình OCOP Sóc Trăng là hướng đi đúng đắn trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh; là tiền đề để đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản, sản phẩm chủ lực của các địa phương, đặc biệt là tạo thế cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP thâm nhập thị trường nội địa cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài phát triển, nâng cao chất lượng nông sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Sóc Trăng cũng đang thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng.

Tỉnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng các ngành hàng chủ lực “thủy sản, cây ăn trái, lúa đặc sản”, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, liên kết bao tiêu, chế biến xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn...

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm