Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường: “Phát huy truyền thống lịch sử, xây dựng một Điện Biên phát triển về kinh tế, tiến bộ về văn hóa, giàu bản sắc dân tộc”

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã dành cho Báo ảnh Dân tộc và Miền núi cuộc trao đổi về những thành tựu nổi bật cùng những định hướng lớn của tỉnh để xây dựng một Điện Biên phát triển về kinh tế, tiến bộ về văn hóa, giàu bản sắc dân tộc…

1-Bi thu Tran Quoc Cuong-anh Hoang Tam.JPG
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Ảnh: Hoàng Tâm

- Phóng viên: Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên trong công cuộc xây dựng và phát triển. Xin đồng chí cho biết, những thành tựu nổi bật của tỉnh Điện Biên trong những năm vừa qua?

+ Đồng chí Trần Quốc Cường:

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp sức người, sức của, anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

130.2.jpg
Chiều 7/5/1954, bộ đội vượt qua cầu Mường Thanh tổng công kích quân Pháp đang cố thủ tại hầm ngầm khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
133.jpg
Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. Lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh: Tư liệu TTXVN
11-long chao Muong Thanh hom nay-Phan Tuan Anh.jpg
Lòng chảo Mường Thanh ngày nay. Ảnh: Phan Tuấn Anh
vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_ngam_thung_lung_muong_thanh_tu_truc_thang_cua_khong_quan_viet_nam_7339012.jpg
Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư
vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_ngam_thung_lung_muong_thanh_tu_truc_thang_cua_khong_quan_viet_nam_7339035.jpg
Tượng đài Điện Biên Phủ nhìn về thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ mảnh đất hoang sơ, đổ nát do chiến tranh tàn phá, diện mạo Điện Biên hôm nay, từ đô thị đến nông thôn đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay. Cụ thể: 8/18 mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,77%/năm; năm 2023, thu nhập bình quân ước đạt 42,98 triệu đồng/người/năm. Hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực.

3-con duong mang ten Vo Nguyen Giap ơ thanh pho DBP hom nay-anh xuan tu.jpg
Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuyên suốt chiều dài của thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư

Văn hóa, giáo dục, y tế được củng cố, đáp ứng nhu cầu phát triển dân trí và chất lượng cuộc sống của người dân. Toàn tỉnh hiện có 482 cơ sở giáo dục, đào tạo với 209.841 học sinh, sinh viên; tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 77,6%; chất lượng đào tạo luôn ở mức cao trong khu vực; có hơn 800 bác sĩ, đạt 12,52 bác sĩ/1 vạn dân, đạt 32,2 giường bệnh quốc lập/1 vạn dân. Tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên, đạt 69,6 tuổi.

1-san bay Dien Bien-Phan Tuan Anh.jpg
Với lợi thế có đường hàng không giúp Điện Biên thuận lợi trong thông thương, giao lưu với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Ảnh: Xuân Tư

Kết cấu hạ tầng xã hội được quan tâm, đầu tư theo hướng đồng bộ. Nhiều công trình trọng điểm đã được hoàn thành như: Dự án mở rộng sân bay Điện Biên Phủ; dự án xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ; nhiều công trình tiếp tục được quan tâm thúc đẩy như dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang; dự án phát triển các khu đô thị mới, trong đó có một khu đô thị của Vingroup đi vào hoạt động ngay tại trung tâm của thành phố Điện Biên Phủ. Một số dự án phát triển khu đô thị mới đang tiếp tục được xem xét và sẽ sớm triển khai trong năm 2024 và năm 2025.

7-kenh muong noi dong canh dong Muong Thanh-Phan Tuan Anh.jpg
Kênh mương hóa nội đồng trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Phan Tuấn Anh

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện toàn diện, thực chất, có chiều sâu và đạt nhiều kết quả. Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 48/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; 66 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 59 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

8-cap phat thuoc mien phi cho nguoi dan Dien Bien-trung kien.jpg
Cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Ảnh: Trung Kiên

Chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 25,68% (theo chuẩn nghèo mới); công tác hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách được tập trung thực hiện có hiệu quả, cơ bản đã xóa nhà tạm, nhà dột nát; chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng; khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.

9-truong dan toc noi tru-hoang tam.jpg
Được thành lập ngày 15/11/1955, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên đã góp phần quan trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở một tỉnh vùng cao biên giới. Ảnh: Hoàng Tâm

- Phóng viên: Thưa đồng chí, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên có định hướng gì để xây dựng một Điện Biên phát triển về kinh tế, tiến bộ về văn hóa, giàu bản sắc dân tộc?

+ Đồng chí Trần Quốc Cường:

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đánh dấu một mốc son chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. 70 năm sau, tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc, hướng tới xây dựng một Điện Biên ngày càng phát triển về kinh tế, tiến bộ về văn hóa, giàu bản sắc dân tộc, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước.

4-nhung di tich lich su giua long thanh pho dien bien phu-anh xuan tu.jpg
Những di tích lịch sử giữa lòng thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 109/QĐ-TTg ngày 27/01/2024, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực mới cho sự phát triển của địa phương.

Điện Biên sẽ phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện; tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại, chú trọng hạ tầng giao thông, cửa khẩu...

5-di tich doi A1-dien bien phu-anh xuan tu.jpg
Di tích đồi A1 nằm cạnh quốc lộ 279 (đường7/5) thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư

Điện Biên đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; tăng cường, mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các địa phương nước bạn giáp biên giới; tập trung đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_ve_vung_can_cu_cach_mang_muong_phang_7291593.jpg
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng già ở xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: Trung Kiên
 vna_potal_70_nam_chien_thang_dien_bien_phu_ve_vung_can_cu_cach_mang_muong_phang_7291592.jpg
Bản làng Mường Phăng (Điện Biên). Ảnh: Trung Kiên

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên quyết tâm xây dựng địa phương với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, cũng là cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch chung cả nước.

10-phat trien du lich cong dong Dien Bien-Phan Tuan Anh.jpg
Tỉnh Điện Biên đã và đang tập trung khai thác lợi thế về di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc để tạo ra các sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch. Ảnh: Phan Tuấn Anh

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành cho Báo ảnh Dân tộc và Miền núi cuộc trao đổi hết sức ý nghĩa trong thời điểm cả nước đang hướng về Điện Biên – nơi sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ!

Hương Hiền - Hoàng Tâm (thực hiện)

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm