Số ca sốt xuất huyết giảm nhưng người dân không nên chủ quan

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 16.887 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023; có 1 ca tử vong, giảm 5 ca. Theo các chuyên gia y tế, mặc dù số ca mắc giảm nhưng sốt xuất huyết có thể diễn biến đột ngột, gây nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu. Vì thế người dân không nên chủ quan và cần chủ động phòng, chống dịch.

vna_potal_gia_tang_dich_sot_xuat_huyet_tai_nhieu_tinhthanh_pho_6905918.jpeg
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Bệnh chuyển biến nhanh gây tổn thương đa cơ quan

Là địa phương ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên, Đồng Nai đang tăng cường biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết ở Đồng Nai là N.N.H, (15 tuổi, ngụ khu phố 6, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu). Ngày 5/4, N.N.H bị sốt cao và được người nhà cho uống thuốc, tự điều trị tại nhà. Ngày 8/4, người nhà đưa bệnh nhân đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) theo dõi với chẩn đoán lâm sàng sốt xuất huyết. Đến ngày 10/4, bệnh nhân bất tỉnh, được lọc máu, chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, ngày 15/4, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán do sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan, xuất huyết tiêu hóa. Ngành chức năng nhận định, đây là trường hợp bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, bệnh chuyển biến nhanh, sốc, tổn thương đa cơ quan.

Dù số ca sốt xuất huyết tại huyện Vĩnh Cửu chưa có dấu hiệu gia tăng, song tại Đồng Nai đang là mùa nắng, nóng, người dân còn chủ quan, trong nhà còn nhiều vật dụng chứa nước không được súc rửa, dọn dẹp thường xuyên, là môi trường thuận lợi cho loăng quăng, muỗi phát triển.

Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 12 - 19/4, thành phố ghi nhận 7 ca mắc, không có ca tử vong; giảm 6 ca so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 576 ca mắc, không ghi nhận ca tử vong, tăng 215 ca so với cùng kỳ năm 2023. Trong tuần, Hà Nội không ghi nhận thêm ổ dịch mới, các ca mắc đều là ca tản phát; cộng dồn từ đầu năm đến nay ghi nhận 5 ổ dịch, hiện tại tất cả các ổ dịch đã kết thúc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 8 - 14/4 ghi nhận 136 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm 2024 đến thời điểm này là 2.585 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100 nghìn dân cao là Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức. Thời điểm này, dù chưa tới mùa mưa nhưng Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng từ nhiều tỉnh lân cận chuyển đến…

Những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết

Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam lưu hành cả 4 týp virus Dengue; trong năm 2023 týp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 týp D2 chiếm 70,7%.

Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 - 11). Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường.

Bệnh có 3 giai đoạn chính: sốt, nguy hiểm và phục hồi.

Ở giai đoạn sốt (3-7 ngày), bệnh thường khó phân biệt với một số bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo bệnh có thể có diễn biến đột ngột gây ra nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu.

Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết gồm nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi. Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu khi sốt xuất huyết sẽ giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.

Bên cạnh đó, nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều. Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn. Người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác... nhưng chỉ là những yếu tố phụ.

Các chuyên gia y tế nhận định: Sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống số một. Để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân cần tiếp tục loại bỏ bọ gậy, tiêu diệt muỗi trưởng thành khi có ổ dịch nhỏ; khoanh vùng, cách ly điều trị bệnh nhân, nhất là diệt véc tơ; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, tổ chức phun diệt muỗi tại các ổ dịch, trong cơ sở y tế điều trị.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt, cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm máu, các bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Bích Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm