Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp tháng 4, Giải thưởng báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) lại được tổ chức, qua đó ghi nhận sự nỗ lực, lao động miệt mài, dấn thân, vượt qua trở ngại, gian khó, hiểm nguy trong tác nghiệp, bất kể ngày, đêm…, để những dòng tin Thông tấn nóng hổi thông suốt.
Mùa giải 2023, tiếp tục đánh dấu bước chuyển mình của TTXVN bắt kịp yêu cầu của sự phát triển của truyền thông trong nước và thế giới. 388 tác phẩm dự thi, với các loại hình báo chí từ báo in, báo điện tử, ảnh báo chí, truyền hình, thông tin đa phương tiện, đồ họa... tăng 87 tác phẩm so với năm 2022... đã cho thấy sức hút của sân chơi nghiệp vụ uy tín của những người làm báo Thông tấn.
Tăng hiệu quả lan tỏa thông tin
Nét mới của Giải thưởng báo chí TTXVN năm 2023 thể hiện ở cách thức tổ chức cuộc thi hiện đại và "đậm chất công nghệ". Đây là năm đầu tiên các tác phẩm dự thi được thu nhận và chấm qua website. Bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực như: tác giả nộp tác phẩm nhanh chóng, thuận tiện, xác định rõ thể loại dự thi, giảm thiểu tối đa công tác in ấn tác phẩm; Các tiểu ban chấm nhanh gọn…
Thông tin về những đổi mới trong công tác tổ chức Giải, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn, Phó chủ tịch Thường trực Liên chi hội Nhà báo TTXVN Nguyễn Hồng Hạnh nêu rõ: Năm nay, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, lần đầu tiên Liên chi hội vận hành website chấm giải. Mỗi tác giả được cung cấp một tài khoản để chủ động tải các tác phẩm theo các thể loại, loại hình. Từ khâu thu nhận tin bài đến chấm sơ khảo, chung khảo đều thực hiện trên website. Với cách làm này, việc chấm giải được giảm tải, thuận tiện hơn, đồng thời bảo đảm tính minh bạch khi đánh giá tổng thể các tác phẩm, phù hợp với xu thế chuyển đổi số báo chí hiện nay.
Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng, chất lượng các tác phẩm năm nay có chủ đề nội dung phong phú, đa dạng đề cập đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm, bám sát các sự kiện thời sự trong nước và quốc tế quan trọng trong năm 2023. Ông Trần Ngọc Tú, Trưởng ban biên tập tin Trong nước, Trưởng Tiểu ban xã luận, bình luận; phóng sự, phóng sự điều tra chia sẻ: Nhìn chung, các tác phẩm bình luận năm nay có nội dung thông tin phong phú, hấp dẫn; hàm lượng thông tin được nâng cao so với những năm trước, yếu tố tích cực nhiều hơn chứ không chỉ phản ánh tiêu cực; nhiều tác phẩm đấu tranh phản bác với các luận điệu sai trai, thù địch, thể hiện tính định hướng của thông tin Thông tấn... Các tác phẩm dự thi cho thấy sự tham gia tích cực, sự đầu tư của các phóng viên thường trú, nhất là thường trú trong nước trong thể loại phóng sự điều tra, phóng viên thường trú ngoài nước trong thể loại xã luận.
Không chỉ tập trung phản ánh tiêu cực, hàm lượng thông tin tích cực cũng được nâng cao. Các tác giả đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo để có những sản phẩm báo chí chất lượng, có hiệu ứng xã hội cao, Bà Vũ Mai Linh Hương, Trưởng ban biên tập tin Đối ngoại, Trưởng Tiểu ban thông tin đối ngoại cho biết: Các tác phẩm thuộc thể loại tin đối ngoại năm nay khá phong phú, không chỉ là tuyến bài giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, còn là vấn đề mang tính thời sự, mang hơi thở cuộc sống, được độc giả trong và ngoài nước quan tâm. Một số tác phẩm đã ứng dụng công nghệ số làm cho các bài báo đề cập đến các vấn đề lớn, phức tạp trở nên dễ hiểu đối với người đọc giúp tăng hiệu quả lan tỏa thông tin. Điều này cho thấy các đơn vị đối ngoại trong ngành đã có những chiến lược rõ ràng để thay đổi chất lượng tin bài, cách thể hiện, nâng cao hiệu quả tuyên tuyền.
Phát huy truyền thống, xung kích trên mọi mặt trận, lực lượng làm công tác thông tin của toàn ngành luôn sẵn sàng có mặt tại những vùng thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn; đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong thực thi, triển khai chính sách đầy bản lĩnh, không ngần ngại trước những đề tài nóng bỏng, gai góc… Nhiều tác phẩm trình bày tốt, chỉn chu, chuyên nghiệp, thể hiện sự đầu tư công sức của tác giả/nhóm tác giả, thể hiện sự dấn thân, tìm tòi, sáng tạo và sự theo đuổi đề tài qua các bài dài kỳ.
Theo Trưởng ban Biên tập Ảnh Nguyễn Quang Hải, do phương thức tiếp nhận tác phẩm online nên số lượng ảnh dự thi năm nay tăng so với các mùa giải trước, với sự tham gia tích cực của các địa phương, đặc biệt là các cơ quan thường trú trong nước; đáng tiếc, không có tác phẩm của cơ quan thường trú ngoài nước tham gia, đặc biệt ở những địa bàn điểm nóng của thế giới như: Nga, Israel... Nhiều tác phẩm ảnh thể hiện sự dấn thân của phóng viên TTXVN, điển hình như: "Xin để rừng Nghiến hàng trăm năm tuổi Phìn Hồ được sống" của nhóm tác giả Nguyễn Văn Oanh, Trần Văn Hoàng, Đinh Thị Thùy (Cơ quan thường trú tại Lai Châu). Nhóm tác giả đã sâu vào khu vực rừng Nghiến để ghi lại những hình ảnh chân thực, sống động, hiệu quả. Hay, tác phẩm "Kinh hoàng vụ cháy chung cư mini trong đêm" của nhóm tác giả Phạm Trung Kiên, Bùi Tuấn Anh, Bùi Cương Quyết (Ban biên tập Ảnh). Phóng viên Trung Kiên đã rất trách nhiệm, bám hiện trường vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân (Hà Nội) suốt đêm, sau đó có sự tăng cường của các đồng nghiệp. Những hình ảnh từ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, đến công tác thăm hỏi, động viên của các cấp lãnh đạo Trung ương, thành phố... đều được các phóng viên ghi lại không bỏ sót, bảo đảm ảnh thời sự "nóng". Một tác phẩm khác cũng cần được nhắc đến là: "Gieo 'hạt giống đỏ', nảy mầm sáng tương lai" của tác giả Lê Thanh Tùng (Ban biên tập Ảnh) về chủ đề phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên. Đây là chủ đề được tác giả theo đuổi, bám sát trong suốt một năm tại nhiều địa phương trong cả nước, thể hiện tinh thần theo đuổi đề tài đến cùng...
Thể hiện sự can đảm và bản lĩnh nghề nghiệp
Mùa giải 2023 cũng đánh dấu sự liên kết giữa phóng viên các ban biên tập với cơ quan thường trú trong nước, quốc tế để có được những tác phẩm báo chí hay, mang hiệu quả tuyên truyền cao. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên (B1) cho hay: Tham dự giải thưởng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 37 tác phẩm, tăng so với năm 2022 (22 tác phẩm). Hầu hết các tác phẩm dự thi của khu vực đều sử dụng loại hình đa phương tiện, trong đó có nhiều tác phẩm mang tính liên kết liên vùng, với sự tham gia của nhiều cơ quan thường trú. Có thể kể đến như tác phẩm: "Vụ khủng bố tại Đắk Lắk: Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh" là sự phối kết hợp của các phóng viên thường trú tại Đắk Lắk: Nguyễn Tuấn Anh, Phan Anh Dũng, Tống Thị Hoài Thu, Nguyễn Thị Thùy Dung với hai phóng viên bám sát địa bàn Tây Nguyên nhiều năm: Mai Hưng Thịnh (Cơ quan thường trú tại Đắk Nông) và Trần Quang Thái (Cơ quan thường trú tại Gia Lai). Sự phối hợp đã phát huy hiệu quả rất tốt. Hay như tác phẩm: "Bánh vẽ Sâm Ngọc Linh" của tác giả Hoàng Cao Nguyên, Dư Văn Toán (Cơ quan thường trú tại Kon Tum) có sự phối hợp giữa Cơ quan thường trú tại Kon Tum, Hà Nội và Trung tâm Truyền hình Thông tấn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Giám đốc B1 Nguyễn Việt Dũng khẳng định: Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, việc phối hợp giữa phóng viên các cơ quan thường trú được thực hiện rất bài bản, đạt hiệu quả cao, nhất là các thông tin thời sự mang tính liên kết vùng giữa các địa phương có chung nguy cơ về dịch bệnh, hạn hán, thiên tai, bão lũ... Tuy nhiên, chi hội B1 vẫn còn trăn trở, đó là ngoài các nội dung về kinh tế - xã hội, các mảng thông tin về xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng chưa được mạnh. Đảng ủy đã họp và đề ra quyết tâm nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thường trú để làm tốt hơn các thông tin này.
Không chỉ trong nước, mảng thông tin quốc tế cũng có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa biên tập viên Ban biên tập tin Thế giới với phóng viên các cơ quan thường trú ngoài nước. Trưởng ban biên tập tin Thế giới Lại Thanh Mai thông tin: Chi hội Ban Thế giới dự thi giải thưởng với 11 tác phẩm, trong đó, hầu hết đều có sự phối hợp với các cơ quan thường trú ở nước ngoài. Điểm thuận lợi của chi hội Ban Thế giới là do theo dõi thông tin quốc tế nên có thể nắm được các vấn đề tương tự Việt Nam, từ đó có sự so sánh, tham chiếu để có cái nhìn bao quát hơn. Ngoài ra, Ban có mạng lưới các cơ quan thường trú ngoài nước, qua đó tiếp xúc được khá nhiều chuyên gia, học giả nước ngoài, giúp các bài viết mang tính thuyết phục hơn, hiệu quả thông tin cao hơn.
Điển hình như tác phẩm: "Kiên quyết chống giặc nội xâm" của nhóm tác giả: Trần Thanh Bình, Trần Phương Hà, Vũ Thị Thanh Tú, Nguyễn Thị Thúy, Bùi Duy Trinh (Ban biên tập tin Thế giới và các cơ quan thường trú tại Sydney, Singapore, Moskva). Tác phẩm khai thác được nhiều ý kiến đánh giá khách quan của các chuyên gia, học giả nước ngoài về cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam, nêu bật những ghi nhận của các tổ chức quốc tế, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với quyết tâm chính trị của của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tác phẩm "Mịt mờ triển vọng hòa bình Trung Đông" của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hà, Lê Vũ Hội, Nguyễn Văn Trường, (Ban biên tập tin Thế giới và các cơ quan thường trú tại Tel Aviv, Cairo) có sự gắn kết liền mạch, hàm lượng thông tin lớn, phân tích các nguyên nhân gốc rễ, mức độ ảnh hưởng trên bình diện khu vực, thế giới, cũng như nỗ lực của cộng đồng quốc tế thúc đẩy giải pháp chấm dứt xung đột. Hai phóng viên tại địa bàn Trung Đông – Bắc Phi đã thể hiện được vai trò của phóng viên chiến trường, cập nhật đời sống thường nhật của người dân vùng chiến sự với những phân tích, bình luận sâu sắc của người tại thực địa, nhấn mạnh cái giá đau thương người dân vô tội phải trả vì chiến tranh...
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN Vũ Việt Trang khẳng định: Năm nay nhiều tác phẩm được trao giải ghi dấu ấn về sự dấn thân của phóng viên. Lựa chọn dấn thân không phải là quyết định dễ dàng đối với bất kỳ ai nhưng nghề báo luôn đặt chúng ta trước quyết định đòi hỏi sự can đảm và bản lĩnh nghề nghiệp. Nhìn lại một năm qua, trong những hoàn cảnh khó khăn như khủng bố, chiến tranh, thiên tai, nhiều phóng viên của TTXVN vẫn lựa chọn đứng ở tuyến đầu, lựa chọn dấn thân để mang đến cho công chúng những dòng tin, hình ảnh chân thực nhất. Cùng đó, giải năm nay cũng ghi nhận sự vượt lên chính mình của nhiều phóng viên, biên tập viên, họ đã tạo ra những thước phim có giá trị, những dòng thông tin đi đến tận cùng của vấn đề, hay gửi đi một thông điệp về Việt Nam hòa bình, phát triển, hạnh phúc đến cộng đồng quốc tế. Một số phóng viên không chỉ chọn được đề tài dư luận hết sức quan tâm, còn kết hợp với thu thập, phân tích số liệu để mang đến cho công chúng những câu chuyện của cuộc sống bằng góc nhìn của báo chí chuyên nghiệp...
Phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ các nhà báo thông tấn, Giải thưởng báo chí TTXVN ngày càng thể hiện vị thế, uy tín trong hệ thống giải thưởng báo chí Việt Nam, qua đó, góp phần duy trì, khẳng định vị thế của một cơ quan truyền thông chính thống hàng đầu, theo định hướng phát triển trở thành cơ quan thông tấn chủ lực đa phương tiện quốc gia.
Phúc Hằng