Đổi thay trên quê hương Anh hùng Bế Văn Đàn

Những ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm xã Bế Văn Đàn ở huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi sinh ra và lớn lên của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn - người lấy thân mình làm giá súng, chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". 70 năm trôi qua, phát huy truyền thống quê hương của người anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bế Văn Đàn đã và đang đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương phát triển.

vna_potal_di_tich_lich_su_dia_diem_luu_niem_anh_hung_liet_sy_be_van_dan_cao_bang_7343631.jpeg
Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Anh hùng Liệt sỹ Bế Văn Đàn tại Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Mỗi năm, khi đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Bế Văn Dền, em trai Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn đều bồi hồi xúc động và tự hào kể cho thế hệ trẻ về tuổi thơ, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của người anh trai.

Anh hùng Bế Văn Đàn (1931-1953) sinh ra trong một gia đình bần nông ở xã Quang Vinh (nay là xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa). Gia đình có bố và chú ruột là những người tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Bế Văn Đàn có tuổi thơ gian khó khi mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình vô cùng thiếu thốn…

Năm 17 tuổi, Bế Văn Đàn nhập ngũ, tham gia nhiều chiến dịch, vượt qua khó khăn, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chỉ huy giao. Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Bế Văn Đàn cùng đơn vị hành quân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

vna_potal_di_tich_lich_su_dia_diem_luu_niem_anh_hung_liet_sy_be_van_dan_cao_bang__7343636.jpeg
Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Anh hùng Liệt sỹ Bế Văn Đàn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Trong cuộc chiến ác liệt ở Mường Pồn (nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), quân Pháp liều chết xông lên. Lúc đó có lệnh phải giữ Mường Pồn bằng bất cứ giá nào nên quân ta kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ. Với vai trò chiến sĩ liên lạc, anh đã vượt qua lưới đạn dày đặc của quân địch, ra tận chiến hào truyền đạt mệnh lệnh kịp thời, chính xác. Trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt, anh Bế Văn Đàn được lệnh ở lại chiến đấu.

Quân Pháp tiếp tục phản kích, mở đường máu, bộ đội ta bị thương vong nhiều. Bản thân anh Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Trong lúc chiến đấu, một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh Bế Văn Đàn không ngần ngại chạy lại, cầm hai càng khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa. Anh hy sinh khi hai tay vẫn còn ghì chặt hai càng súng trên vai mình.

vna_potal_di_tich_lich_su_dia_diem_luu_niem_anh_hung_liet_sy_be_van_dan_cao_bang_7343639(1).jpeg
Người dân thắp hương tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Bế Văn Đàn. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Hình ảnh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội mừng công của đơn vị, anh Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được bình bầu là Chiến sĩ thi đua số 1 của tiểu đoàn. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31/8/1955, anh Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.

Tự hào và noi gương người anh hùng cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Bế Văn Đàn chung sức, chung lòng xây dựng quê hương. Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên quê hương Bế Văn Đàn có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, trong đó có mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Văn Đông ở xóm Bắc Vọng.

Hoàn cảnh khó khăn, nhà đông con, nhờ được Nhà nước hỗ trợ mua hai con lợn nái sinh sản, cộng với sự chăm chỉ, nỗ lực của bản thân, hiện nay, gia đình anh Đông duy trì trong chuồng từ 20-30 con lợn thịt. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán khoảng 3.000 kg lợn, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bế Văn Đàn Lý Quốc Hội phấn khởi cho biết, xã Bế Văn Đàn là xã vùng III, biên giới, có trên 640 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu, gồm hai dân tộc Nùng và Tày cùng sinh sống. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế vào sản xuất. Đồng thời, xã triển khai kịp thời chính sách tín dụng ưu đãi; nhận ủy thác với các ngân hàng; hướng dẫn các hộ vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư con giống, vật nuôi và máy móc phục vụ sản xuất…

vna_potal_di_tich_lich_su_dia_diem_luu_niem_anh_hung_liet_sy_be_van_dan_cao_bang_7343633.jpeg
Ngôi nhà của Anh hùng Bế Văn Đàn được phục dựng nằm trong cụm Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Anh hùng Liệt sỹ Bế Văn Đàn. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Đến nay, xã Bế Văn Đàn hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm (năm 2022). Số hộ nghèo giảm theo từng năm, toàn xã chỉ còn 124 hộ nghèo, 115 hộ cận nghèo. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế như mô hình nuôi bò sinh sản, trồng cây hồng cho năng suất cao, hình thành các hợp tác xã phát triển nông nghiệp, vật liệu xây dựng… đem lại thu nhập cao cho bà con.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, chú trọng thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế. Cùng với đó là đẩy mạnh phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm