Phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 2 - Tháo gỡ bài toán “chất và lượng” nguồn nhân lực trình độ cao

Phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 2 - Tháo gỡ bài toán “chất và lượng” nguồn nhân lực trình độ cao

* Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế 

Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin là vấn đề nan giải không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà còn của cả nước. Đó là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chỉ đáp ứng một phần khá nhỏ nhu cầu thực tế. 

Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) là trung tâm công nghệ thông tin tập trung đầu tiên và lớn nhất cả nước hiện nay, quy tụ rất nhiều lao động trình độ cao. Tổng số người tham gia học tập và làm việc thường xuyên tại đây hiện vào khoảng 19.600 người (trong đó số kỹ sư và chuyên viên là trên 9.000 người; sinh viên khoảng trên 10.500 người). Theo QTSC, thời gian gần đây, số lượng chuyên viên phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng đều qua các năm và khoảng 80% chuyên viên phần mềm có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tuy nhu cầu là rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng nguồn nhân lực của các cơ sở đào tạo chỉ đạt mức trung bình từ 15 – 25% so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phần mềm. 

Hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý tại Khu công nghiệp Bình Chiểu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu- TTXVN
Hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý tại Khu công nghiệp Bình Chiểu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu- TTXVN

Nhiều kinh nghiệm trong công tác nhân sự, ông Vương Bảo Long – Giám đốc Nhân sự Công ty LogiGear thẳng thắn nhìn nhận: “Xét về lượng thì nhân lực công nghệ thông tin không thiếu nhưng về chất thì “có vấn đề”. Thực tế cho thấy, đối với mỗi vị trí kỹ sư phần mềm cần tuyển, chúng tôi đều nhận được trên dưới 10 ứng viên dự tuyển, và kết quả tuyển được 1/10. Tôi nghĩ không riêng LogiGear mà các công ty phần mềm khác tại Việt Nam đều mong muốn nâng tỉ lệ này lên 1/5 hay 1/3”. 

Trong khi đó, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) là khu công nghệ cao hàng đầu cả nước với sự có mặt có rất nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Giá trị sản phẩm từ Khu Công nghệ cao luôn tằng dần qua từng năm. Hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và triển khai (R&D) trong cơ cấu giá trị sản phẩm tăng dần so với sản phẩm tại các khu công nghiệp. Ước tính trung bình, giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại SHTP hiện ở mức 28%. Chỉ số này nói lên SHTP có điểm khác biệt so với các khu công nghiệp và chế xuất là luôn đưa ra các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao. 

Tuy vậy, trong tổng số lao động đang làm việc tại SHTP là hơn 24.000 người thì lao động trình độ từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chỉ chiếm khoảng 30%. Riêng Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) chiếm đến 50% tổng số lao động toàn Khu Công nghệ cao, đa số là lao động phổ thông với mức lương thấp. Theo ông Dương Minh Tâm, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, phần nghiên cứu chủ yếu vẫn ở các công ty nước ngoài, trong khi phần triển khai tại SHTP rất khiêm tốn. Nguồn nhân lực có khả năng tiến hành hoạt động khoa học công nghệ tại đây vẫn còn ở tỉ lệ khá thấp để đạt sự đột phá về kết quả hoạt động khoa học công nghệ. 

Sự bùng nổ về công nghệ cũng như chính sách đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam thời gian qua đã giúp các ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc công ty Global Cyber Soft, so với trước đây, nhân lực công nghệ thông tin hiện nay có sự phát triển tốt hơn cả về số lượng lẫn chất lượng, tính ở cả hai nhóm là các chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm và các kỹ sư vừa mới ra trường. Tuy nhiên, bài toán hiện nay về nhân lực vẫn chưa được giải quyết tốt, đó là nguồn cung và trình độ nhận lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là chất lượng. 

Cùng quan điểm trên, ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc TMA Solutions cho rằng, trong 10 năm qua số lượng đào tạo cho ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tăng chậm hơn nhu cầu của ngành dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực. Sự thiếu hụt không chỉ từ số lượng mà còn chất lượng, do chương trình đào tạo một số trường chưa linh hoạt để theo kịp sự thay đổi của ngành và sự phát triển của công nghệ. Nhiều công ty công nghệ cao nước ngoài đang tìm đến Việt Nam để đầu tư nhưng nếu nguồn nhân lực không dồi dào sẽ ảnh hưởng đến tốc độ thu hút đầu tư của ngành. 

* Nâng cao chất lượng từ khâu đào tạo 

Chương trình đào tạo thiếu linh hoạt và chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ chính là điểm hạn chế lớn nhất của các trường hiện nay. Điều này khiến sinh viên khi ra trường phải đào tạo lại, mất thời gian công sức của sinh viên và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mặc dù số lượng sinh viên học ngành công nghệ thông tin có gia tăng so với trước nhưng các doanh nghiệp vẫn khó khăn để tuyển chọn đủ nhân lực đạt yêu cầu. Trong đó, nhiều đơn vị đã hạ thấp một phần tiêu chuẩn đầu vào và đầu tư vào đào tạo thêm cho các kỹ sư mới ra trường, với điểm hạn chế lớn nhất là đa phần còn thiếu năng lực thực hành, trình độ tiếng Anh. 

Một góc Khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh- TTXVN
Một góc Khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh- TTXVN

Ông Trần Phúc Hồng cho biết, mỗi năm công ty đều tuyển dụng hàng trăm kỹ sư mới ra trường, thực tế các kỹ sư từ các trường hàng đầu luôn có tỷ lệ đạt yêu cầu cao. Tuy nhiên, số lượng đào tạo từ các trường này không đủ cho sự phát triển của ngành phần mềm Việt Nam, đặc biệt là ngành gia công phần mềm đang có nhu cầu nhân lưc rất lớn trong những năm gần đây. 

Trong khi đó, dù đánh giá chương trình đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng nói chung cũng đã cải tiến nhiều so với trước, nhưng ông Ngô Văn Toàn cho rằng, vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang là bài toán lớn, không đơn giản chỉ là vấn đề của ngành giáo dục mà liên quan đồng thời của nhiều yếu tố khác, từ chính sách, nghề công nghệ thông tin, đến thu nhập, giáo dục, kinh tế, xã hội… Chúng ta phải làm sao “bó hẹp” lại ở vấn đề làm sao giảm bớt khoảng cách giữa các em mới ra trường với nhu cầu thực tế. 

Theo ông Ngô Văn Toàn, để làm được điều này, phải tiến hành thực hành bắt buộc cho các em, đặc biệt là những sinh viên năm cuối. Trong bối cảnh các doanh nghiệp rất khó nhận số lượng lớn các em vào thực hành, thì các trường cần hình thành các trung tâm thực hành hoặc liên kết với các đơn vị chuyên môn giúp các em thực hành trên các dự án và công việc thực tế. Việc này cần đủ dài, tối thiểu 3 tháng liên tục toàn thời gian, với sự hướng dẫn của các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế. 

Với bài toán về nhân lực thấp trong khu công nghệ cao, hiện Ban Quản ký SHTP đang thúc đẩy Tập đoàn Nidec đổi mới mô hình sản xuất, tăng hoạt động R&D và môi trường làm việc để cải thiện đời sống cho công nhân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông Dương Minh Tâm, với 30% lao động trình độ từ cao đẳng trở lên như hiện nay vẫn còn khá thấp. Mục tiêu của SHTP là đạt trên 40% trong 5 năm tới, đồng thời đang khẩn trương phấn đấu về công tác xây dựng lực lượng trình độ cao trong 10 năm tới để theo kịp các quốc gia khác. Dự kiến đến năm 2020, tổng số lao động tại Khu Công nghệ cao sẽ đạt trên 40.000 người, đa số sẽ ở trình độ cao về chuyên môn. 

Vấn đề nhân lực chất lượng cao hiện không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, mà các doanh nghiệp cũng đóng vai trò khá quan trọng. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn đã gửi các kỹ sư đi đào tạo chuyên sâu, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển về làm việc và đào tạo lại cho nhân lực tại chỗ để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động hợp tác chặt chẽ với các trường đại học để cung cấp cơ hội thực tập cho các sinh viên, tổ chức các hội thảo chuyên đề, hoạt động đánh giá chuyên môn, hướng nghiệp cho sinh viên ngay từ năm đầu đại học… nhằm phát triển nguồn nhân lực trình độ cao mang tính bền vững. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp và nhà trường là rất cần thiết để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động hiện nay./. 

Có thể bạn quan tâm