Ninh Thuận phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận được trưng bày, bán tại Khu du lịch Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận được trưng bày, bán tại Khu du lịch Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm từ 20-30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, đồng thời củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được phân hạng. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn để nâng cao giá trị sản phẩm đã được gắn sao OCOP.

Ninh Thuận phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn ảnh 1Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận được trưng bày, bán tại Khu du lịch Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang tập trung khuyến khích các tổ chức kinh tế bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP nhằm hoàn thiện, nâng cấp, đổi mới và đa dạng hóa các sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Năm nay, tỉnh đầu tư gần 4,5 tỷ đồng để phát triển thêm từ 20 - 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có từ 1 - 2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng. Tỉnh ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu đạt 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để triển khai thực hiện, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương lồng ghép và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác. Đồng thời đề ra 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ninh Thuận phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn ảnh 2Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận được trưng bày tại Khu du lịch Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất, Ninh Thuận đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm; xây dựng các điểm trưng bày, bán các sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa để kết nối các chương trình, tour, tuyến du lịch đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các trung tâm, cửa hàng OCOP, trạm dừng chân và trải nghiệm ngay tại các cơ sở sản xuất. Qua đó, không chỉ góp phần làm phong phú cho các tour, tuyến du lịch, tăng sức hút với du khách mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố.

Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, cùng với sản phẩm nho hồng NH01-152 đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, hợp tác xã còn có 7 sản phẩm khác đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau câu hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho. Hiệu quả thấy rõ khi đa phần du khách đến đây tham quan đều chọn mua một số sản phẩm OCOP về dùng hoặc làm quà. Hiện nay, Hợp tác xã đang mở rộng đầu tư trồng 5 giống nho mới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao để tạo điểm nhấn, dự kiến sẽ khai thác du lịch khu vườn nho này vào dịp Tết Dương lịch tới đây.

Để đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn cũng đang đẩy mạnh liên kết đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Song song với đó, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận cũng tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với sản phẩm sản xuất cung cấp ra thị trường.

Ninh Thuận phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn ảnh 3Các sản phẩm OCOP được bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận tại địa chỉ: https://sanphamninhthuan.vn. Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có tiềm năng lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với nhu cầu thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 65 sản phẩm của 37 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 56 sản phẩm OCOP đạt 3 sao thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm; thủ công mỹ nghệ, thảo dược, đồ uống và ngành dịch vụ du lịch nông thôn.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm