Từ đào tạo đúng “địa chỉ”… Theo nhiều mô hình nông nghiệp sau khi được đào tạo nghề, phần nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, đời sống của nhiều hộ gia đình từng bước được thay đổi, sản phẩm nông nghiệp mới đã tìm được đầu ra và có chỗ đứng trên thị trường; nhiều gia đình từ sản xuất nhỏ, riêng lẻ chuyển sang thành lập tổ, nhóm liên kết, hợp tác sản xuất lớn. Điển hình như chị Trần Thị Mỹ Trinh cùng nhiều hộ gia đình ngụ tại ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi trước đây trồng hoa màu, làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Chị Trinh cho biết, ngay sau khi xã có chủ trương đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo chương trình nông thôn mới, gia đình chị cùng nhiều hộ khác đã quyết định chuyển đổi mô hình canh tác trồng hoa lan, học làm kinh tế, làm giàu cho chính bản thân trên mảnh đất cũ.
Chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Ngã Ba Giồng,
xã nông thôn mới Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Ảnh: TTXVN
|
Với sự hỗ trợ cây giống và vốn vay ban đầu, đến nay, mảnh đất 6.000 m2 của chị Trinh đã canh tác hơn 60.000 cây lan hồ điệp, denro, mokara, cho lãi bình quân trên 30 triệu đồng/tháng. Ngoài việc tự bỏ công sức ra canh tác, tìm đầu ra có giá trị cao, chị Trinh còn làm trưởng nhóm Tổ hợp tác Lan Việt, tham gia hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hộ gia đình học nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, không chỉ chị Trinh mà đời sống người dân trong khu vực ngày càng sung túc, xóm giềng ngày càng gần gũi, thân thiết. Cũng từ chương trình đào tạo nghề nông thôn - xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ gia đình tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi trước đây trồng lúa, hoa màu nay được hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đào tạo kỹ thuật trồng hoa mai, lan, cây cảnh, chăn nuôi bò sữa; trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet Gap… cho thu nhập cao. Các hộ gia đình tại khu vực có nhiều sông, rạch, biển như huyện Nhà Bè, Cần Giờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy, hải sản như hàu, tôm, lươn, chế biến hải sản khô; sản xuất muối trên ruộng trải bạt, nghề thợ máy, thuyền trưởng… Là người gắn bó lâu năm ở địa phương, ông Nguyễn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cho biết, xưa nay, Tân Thông Hội là một xã thuần nông, bà con vốn chỉ sống dựa vào việc canh tác lúa, trồng hoa màu là chính. 10 năm trở lại đây, bà con trong vùng đầu tư chăn nuôi bò sữa. Mới đây, nhiều hộ tiếp tục được hỗ trợ học nghề, hướng dẫn trồng hoa lan cắt cành, tạo thành phong trào và lan tỏa rộng khắp vùng, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân. Theo ông Phong, chương trình đào tạo nghề nông thôn thật sự là đòn bẩy khơi dòng, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển mô hình kinh tế mới hiệu quả, phù hợp với nhiều đối tượng lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, việc sản xuất lúa, trồng hoa màu trở nên kém hiệu quả thì những mô hình như nuôi bò sữa, cá kiểng, trồng hoa lan mang lại giá trị kinh tế cao, là hướng đi mới cho người nông dân. Cùng với đào tạo nghề nông nghiệp, những mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cũng được các địa phương chú trọng quan tâm. Trong đó, các địa phương tập trung đào tạo các ngành công nghiệp trọng yếu, dịch vụ cùng 8 ngành tự do dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN (gồm nha khoa; điều dưỡng; kỹ thuật; xây dựng; kế toán; kiến trúc; khảo sát; du lịch). Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, định hướng của đào tạo nghề nông thôn phải gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và có thu nhập ổn định. Đặc biệt là ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động cao như may công nghiệp, giầy da, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, kế toán, điều dưỡng… hoặc các nghề giúp lao động nông thôn tự tạo việc làm như thẩm mĩ, nấu ăn, làm bánh, sửa chữa xe máy, lái xe ô tô… Chỉ riêng 9 tháng năm 2019, mười quận huyện thuộc thành phố đã đào tạo 9.513 người; trong đó, có hơn 3.516 người học nghề nông nghiệp và hơn 5.997 người học nghề phi nông nghiệp, đạt 81,96% kế hoạch năm.… đến đào tạo đúng cái nông dân cần Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, công tác đào tạo nghề đã từng bước gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương, đón đầu các yêu cầu thực tế của xã hội, hướng đến những ngành nghề kỹ thuật, có hàm lượng giá trị cao... Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động sau khi học nghề. Điển hình như anh Nguyễn Mạnh Quân, ngụ tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, sau khi được địa phương giới thiệu học nghề sửa chữa xe gắn máy hiện đã có cuộc sống ổn định hơn trước đây khi làm công nhân ở khu chế xuất. Anh Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, việc xác định đúng nghề, phù hợp với điều kiện có sẵn cùng với tính cần cù chăm chỉ của người lao động nông thôn chắc chắn sẽ thành công với nghề mình đã chọn. Tiệm sửa xe của anh Quân không chỉ là kết quả sau quá trình học nghề, là sinh kế mà còn là thành công của chương trình đào tạo nghề nông thôn, giúp người nông dân học đúng nghề, có việc làm ổn định, thu nhập cao. Tương tự được đào tạo đúng nghề, nhiều nông dân ở ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ, Củ Chi đã đồng loạt cắm cọc, căng bạt nuôi cá bột cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm từ thiện, phóng sinh. Anh Nguyễn Văn Nam, ngụ tại ấp Bình Hạ Đông cho biết, từ khi được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật làm nghề này, đời sống người dân trong khu vực đã thay đổi. Người dân không còn phải lo nắng mưa, được mùa mất giá như trồng lúa, trồng hoa màu trước đây. Đặc biệt, nghề nuôi cá bột này không cần diện tích đất lớn, không phải đào ao thả cá, ngược lại chi phí đầu tư thấp… nên rất phù hợp với nông dân. Từ khi có chương trình đào tạo nghề, xây dựng nông thôn mới, thanh niên nông thôn ở các vùng ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh đã chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, tình đoàn kết xóm giềng ngày càng gắn bó. Đặc biệt, người dân nông thôn đã chủ động, mạnh dạn phát huy hiệu quả việc sử dụng đất ở nông thôn. Thống kê trong 5 năm gần đây, Thành phố đã tổ chức dạy nghề cho gần 46.000 lao động nông thôn, tỉ lệ có việc làm, tự tạo việc làm sau đào tạo đạt trên 90%. Thành công trên là do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương đã có những thay đổi mới, nhất là chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với lao động nông thôn; đào tạo theo nhu cầu của người lao động muốn học nghề. Để đạt mục tiêu 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện hoàn thành nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện trước tháng 5/2020, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp nâng chất nông thôn mới, trong đó có tiêu chí việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn phải gắn với vấn đề giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Theo ông Liêm, trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp; đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cấp xã, huyện cùng chung tay xây dựng nông thôn mới./.
Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN