Nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Arabica Sơn La

Nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Arabica Sơn La

Cà phê Arabica Sơn La đã trở thành một đặc sản của Sơn La và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ. Phát huy giá trị thương hiệu cà phê Arabica Sơn La, năm 2021, hợp tác xã cà phê Bích Thao, có địa chỉ tại xã Hua La, thành phố Sơn La đã sản xuất thành công sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia, mở ra thị trường rộng lớn đối thương hiệu cà phê Sơn La.

Vào tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, những nông hộ trồng cà phê như gia đình chị Nguyễn Thị Bắc, ở xã Hua La, thành phố Sơn La lại tất bật với việc thu hái những quả cà phê chín đỏ. Năm nay, cây cà phê được bà con nông dân đánh giá là được mùa, được giá. Nhưng điều làm chị Bắc phấn khởi hơn là toàn bộ 4 ha cà phê, cho sản lượng khoảng 80 tấn quả tươi của gia đình đều được hợp tác xã cà phê Bích Thao bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng giá thị trường.

Nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Arabica Sơn La ảnh 1Vùng trồng cây cà phê theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã cà phê Bích Thao . Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Chị Nguyễn Thị Bắc bày tỏ, trước đây gia đình chị trồng cà phê và đến mùa thu hái nếu có thương lái đến thu mua giá cao thì bán luôn. Hiện nay, gia đình chị là thành viên của hợp tác xã Bích Thao nên giá cà phê thu mua đã cao và ổn định hơn trước, bởi hợp tác xã có các hợp đồng bán sản phẩm với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Arabica Sơn La ảnh 2 Thành viên Hợp tác xã cà phê Bích Thao thu hoạch quả cà phê. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Hợp tác xã cà phê Bích Thao với 11 thành viên, quy mô 50 ha cà phê. Với định hướng đặt ra là không chạy theo số lượng mà đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng cà phê và khắc phục ô nhiễm môi trường. Đến nay, sau gần 5 năm thành lập, hợp tác xã đã có bước phát triển vững chắc.

Vụ cà phê 2019-2020, hợp tác xã đã xuất bán trên 2.000 tấn cà phê nhân; trong đó, 80% sản phẩm xuất khẩu sang các nước Đức, Pháp, Mỹ, doanh thu đạt 40 tỷ đồng. Để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, hợp tác xã cà phê Bích Thao đã liên kết sản xuất với 600 hộ dân và thu mua ngoài liên kết với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên và thành phố Sơn La.

Ông Lò Văn Muôn, bản Nà Tre, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn chia sẻ, gia đình ông trồng cà phê từ năm 1994, hiện tổng diện tích là hơn 2 ha, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 15 tấn khô/năm. Hàng năm, ông đều bán quả cà phê cho hợp tác xã cà phê Bích Thao vì giá cả ổn định hơn bên ngoài. Cùng với đó, ông còn mua giống cây cà phê mới của hợp tác xã để về thay thế cây cà phê đã nhiều năm tuổi, năng suất kém của gia đình.

Nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Arabica Sơn La ảnh 3Thành viên Hợp tác xã cà phê Bích Thao kiểm tra chất lượng quả cà phê tươi tại vườn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Với định hướng không chạy theo số lượng mà đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng cà phê và khắc phục ô nhiễm môi trường, đầu năm 2021, hợp tác xã cà phê Bích Thao đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến cà phê quy mô gần 1.120 m², công suất 20 tấn cà phê nhân/ngày, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng. Dây chuyền chế biến được thiết lập theo quy trình khép kín. Ngoài ra, hợp tác xã cũng đầu tư xây dựng 3 nhà kính với tổng diện tích hơn 2.200m² để chế biến cà phê.

Vừa qua, sản phẩm cà phê bột nguyên chất Bích Thao đã được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia năm 2020 đánh giá đạt 5 sao. Phát huy kết quả này, niên vụ 2021-2022, hợp tác xã cà phê Bích Thao dự kiến thu mua, chế biến từ 3.000-3.500 tấn cà phê nhân sản xuất theo theo quy trình VietGAP, tiêu chuẩn UTZ nông nghiệp bền vững để cung cấp cho các bạn hàng truyền thống và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản...

Nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Arabica Sơn La ảnh 4 Sản phẩm cà phê của Hợp tác xã cà phê Bích Thao được chế biến trong nhà kính, đảm bảo vệ sinh, an toàn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc hợp tác xã Cà phê Bích Thao cho biết, yếu tố quyết định đến chất lượng cà phê hiện nay đó là từ năm 2018, hợp tác xã đã tham gia thử nghiệm mô hình trồng cà phê chè giống mới THA1, với quy mô 60 ha. Mô hình thuộc Chương trình phát triển cà phê Quốc gia do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.

Sau 3 năm trồng thử nghiệm, giống cà phê mới này cho khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết tốt hơn so với giống cà phê Catimor đang trồng, sản lượng trung bình đạt 25-30 tấn quả tươi/ha, giá bán cao hơn từ 10-30% cà phê Catimor truyền thống. Từ đó, hợp tác xã đã nhân rộng giống cà phê này đến người dân trong vùng, mở ra hướng đi mới đối với nhiều hộ trồng cà phê theo hình thức liên kết với hợp tác xã.

Trong thời gian tới, hợp tác xã xác định, để vươn xa hơn nữa ra thị trường quốc tế thì trong kỹ thuật trồng phải tuyển chọn đúng giống F1 do các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu. Đồng thời, trong quá trình sản xuất sử dụng phương pháp thân thiện môi trường là chế biến ướt, phơi trong nhà kính.

Ông Vương Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Sơn La đánh giá, thống kê trên thế giới cà phê đặc sản đạt 12% tổng sản lượng, ở Việt Nam mới chiếm 1,7% sản lượng. Việc hợp tác xã cà phê Bích Thao chuyển sang trồng cà phê giống mới theo hướng hữu cơ để sản xuất cà phê đặc sản là hướng đi đúng, bắt nhịp xu hướng hiện nay. 

Nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Arabica Sơn La ảnh 5Khách hàng tham quan gian hàng sản phẩm cà phê của Hợp tác xã cà phê Bích Thao, thành phố Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Hiện tỉnh Sơn La có 83 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt OCOP. Sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao là dấu mốc ghi nhận giá trị thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, thương hiệu sản phẩm nông sản Sơn La.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La cho biết, sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Sơn La là niềm tự hào của nền nông nghiệp chế biến tỉnh Sơn La, gắn với sản xuất chế biến của người nông dân, hợp tác xã. Đây có thể coi là điểm tựa cho các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Sơn La cất cánh, xây dựng giá trị thương hiệu nông sản trong nước và vươn tầm xuất khẩu ra các nước trên thế giới.

Thời gian tới, giải pháp rất quan trọng và hàng đầu là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng về Chương trình OCOP. Nhất là cần hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của chương trình, gắn với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương.

Cùng với đó, tổ chức triển khai chương trình, chu trình OCOP một cách đồng bộ, nhất là vai trò của các cấp trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch của địa phương và hỗ trợ chủ thể, người dân tham gia chương trình, phát triển sản phẩm OCOP.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm