Đại diện một nhà nông đua tài hái cà phê. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Trong quá trình hình thành và phát triển cà phê tại Việt Nam, Tây Bắc được biết đến có vùng cà phê chè (cà phê Arabica) với lịch sử hàng trăm năm. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đưa cà phê vào trồng tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc. Nơi đây trở thành khu vực sản xuất cà phê Arabica cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành cà phê tại Pháp vào thời điểm đó. Với điều kiện tự nhiên thích hợp, cà phê Arabica không ngừng phát triển tại Sơn La. Đặc biệt, từ năm 1995 khi UBND tỉnh Sơn La phê duyệt dự án 3.000 ha cà phê. Từ đó đến nay, diện tích cà phê của tỉnh Sơn La liên tục mở rộng, tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Cây cà phê Arabica được tỉnh Sơn La xác định là một trong những cây trồng chủ lực, giúp xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Ông Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay, toàn tỉnh Sơn La trên 12.000 ha cà phê; trong đó, diện tích cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn chiếm gần 34% với khoảng 4.200ha. Tại huyện Mai Sơn, năng suất quả cà phê tươi ước đạt từ 120 - 150 tạ/ha; tổng sản lượng cà phê quả tươi mỗi năm ước đạt trên 52.000 nghìn tấn, doanh thu ước đạt trên 368 tỷ đồng.
Đại diện một nhà nông đua tài hái cà phê. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Cây cà phê được trồng tập trung tại 9 xã của huyện Mai Sơn gồm: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Mường Chanh, Chiềng Dong, Chiềng Kheo, Chiềng Ve và Nà Ớt. Các hoạt động sản xuất, sơ chế và chế biến cà phê ở địa phương ngày càng phát triển. 80% sản lượng cà phê nhân sản xuất tại Sơn La được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác. Danh tiếng cà phê Arabica Sơn La ngày càng được nâng cao và khẳng định là một trong hai vùng sản xuất cà phê chè lớn tại Việt Nam. Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cũng cho biết, để phát triển cây cà phê thực sự bền vững, trở thành cây trồng chủ lực, gắn với vấn đề giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, huyện Mai Sơn tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng vùng cà phê nguyên liệu chuyên canh. Cùng với đó, huyện Mai Sơn tiến hành rà soát, triển khai diện tích trồng mới (thay thế diện tích cũ kém hiệu quả) theo quy hoạch; tăng cường dồn điền đổi thửa tạo quy mô tập trung theo mô hình nông thôn mới; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê cho nhân dân… Cùng với chứng kiến công bố Chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La, tham gia Ngày hội cà phê Mai Sơn, các đại biểu, du khách và nhân dân đã được hòa mình trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc Sơn La như: Hội thi “Nhà nông đua tài”; thi trò chơi truyền thống, thể thao dân tộc; tham quan trưng bày, giới thiệu các sản phẩm cà phê và các sản phẩm nông nghiệp địa phương…
Đại diện một nhà nông đua tài hái cà phê. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Nhân dịp này, tại xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn) đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 3 ha tại bản Mạt, xã Chiềng Mung. Nhà máy gồm các hạng mục: Khu nhà xưởng và lò hơi 5.000 m2; hệ thống chế biến đồng bộ từ quả cà phê tươi theo phương pháp chế biến ướt với công suất 20.000 tấn quả tươi/vụ; hệ thống xát và phân loại 4.000 tấn cà phê nhân/vụ.... Nhà máy dự kiến hoàn thành xây dựng trong 8 tháng, với tổng mức đầu tư 48,6 tỷ đồng.
Nguyễn Cường