Lúa hữu cơ ở Trà Vinh được nhiều doanh nghiệp bao tiêu

Mô hình lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao . Ảnh TTXVN
Mô hình lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao . Ảnh TTXVN

Hàng trăm nông dân chuyên sản xuất mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh phấn khởi vì mùa vụ trồng lúa năm nay đã có được 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không như 3 mùa vụ trước gặp khó khăn về đầu ra.

Lúa hữu cơ ở Trà Vinh được nhiều doanh nghiệp bao tiêu ảnh 1Mô hình lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao . Ảnh TTXVN

Ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết, từ đầu tháng 8/2020, UBND xã Long Hòa kết nối được 3 đơn vị ký kết hợp đồng sản xuất bao tiêu lúa hữu cơ gồm 112 hộ nông dân trên tổng diện tích 95 ha với giá lúa tươi ST.24 được bao tiêu 10.200 đồng/kg.

Cụ thể, Hợp tác xã Châu Hưng, ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh) ký kết bao tiêu 30 ha; Công ty Hồng Tinh, Tp. Hồ Chí Minh, ký kết bao tiêu 40 ha; Công ty Lục Bảo Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, ký kết bao tiêu 25 ha. Hiện nay, hộ nông dân được ký kết sản xuất bao tiêu lúa hữu cơ đang làm đất để chuẩn bị xuống giống gieo sạ.

Theo ông Nguyễn Văn Nhanh, mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa là phương thức chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương trong 8 năm qua. Bình quân, 1 ha trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh cho lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Mô hình này đảm bảo sự bền vững so với việc chuyên nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo phương thức bán thâm canh và thâm canh, vừa hạn chế được rủi ro do nuôi tôm 2 - 3 vụ/năm, vừa bảo vệ được môi trường, cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, liên tục trong 3 năm vừa qua, mô hình trồng lúa hữu cơ gặp khó khăn do nông dân không chủ động được đầu ra. Diện tích sản xuất, giá lúa hữu cơ khi thu hoạch phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Cụ thể từ năm 2017, diện tích lúa hữu cơ của xã Long Hòa được ký kết bao tiêu 130 ha, nhưng đến mùa vụ 2019 chỉ còn 1 doanh nghiệp bao tiêu 70 ha.

Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa Lê Văn Trí cho biết, điều kiện đất đai của xã Long Hòa có thừa khả năng để xây dựng vùng lúa hữu cơ đạt khoảng 300 ha. Tuy nhiên, trước khó khăn về đầu ra nên kế hoạch phát triển vùng lúa hữu cơ của xã đến năm 2020 đạt 300 ha không thực hiện được. Vì vây, xã vận động nông dân vẫn trồng lúa sạch - nuôi tôm càng xanh liên tục 3 năm liền để đạt tiêu chuẩn nền ruộng lúa hữu cơ, chờ kết nối doanh nghiệp tìm đầu ra, nâng cao thu nhập.

UBND xã Long Hòa tăng cường quảng bá thương hiệu và chất lượng lúa hữu cơ Long Hòa, tranh thủ sự hỗ trợ của UBND huyện, Sở Công Thương tỉnh tìm các doanh nghiệp ngoài tỉnh để ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu cho hạt lúa hữu cơ. UBND xã đang xúc tiến việc vận động khuyến khích nông dân thành lập hợp tác xã để đảm bảo về tính pháp lý, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong ký kết hợp đồng chỉ với một đầu mối không phải ký kết theo từng hộ nông dân như hiện tại.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm