Thu hoạch lúa chất lượng cao ở huyện Triệu Phong. Ảnh:nongnghiep.vn |
Đến tháng 6/2019, tỉnh Quảng Trị đã có trên 6.000 ha lúa chất lượng cao được sản xuất trên cánh đồng lớn và mỗi cánh đồng lớn có diện tích khoảng 20 ha, tăng 20 lần so với năm 2015. Tại huyện Triệu Phong, ngày càng có nhiều hợp tác xã tham gia sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng lớn theo hướng liên kết. Cụ thể là các hợp tác xã: Triệu Thuận 20 ha, Đại Hào 20 ha, Quảng Điền A 20 ha, Linh An 40 ha. Đại diện Hợp tác xã Triệu Thuận cho biết, sản xuất lúa chất lượng cao trên canh đồng lớn có nhiều thuận lợi như: dễ áp dụng quy trình sản xuất từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Do đó, giúp giảm chi phí sản xuất, năng suất lúa và chất lượng lúa đều tăng; đồng thời, sản xuất được sản lượng lớn lúa nên được các doanh nghiệp ký kết thu mua. Trong số các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng lớn, đáng chú ý nhất là mô hình sản xuất lúa hữu cơ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nam – Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển, phối hợp với tỉnh Quảng Trị thực hiện từ năm 2017. Đến nay, mô hình này đã sản xuất được gần 500 ha lúa hữu cơ. Lúa hữu cơ sản xuất trên cánh đồng lớn cho năng suất bình quân 50 tạ/ha, giá bán lúa tươi tại ruộng 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, thu lãi khoảng 22 triệu đồng/ha, cao hơn từ 6 – 18 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã liên kết với Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty Quế Lâm, Trung giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nam… để sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao trên cánh đồng lớn. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Từ đó, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, phát triển cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống từ 1,2 – 1,5 lần. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 6.500 ha lúa sản xuất trên cánh đồng lớn và đến năm 2030 là 10.000 ha.
Nguyên Lý