Hướng đến việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, nâng cao năng suất, ổn định giá thành, đầu ra ổn định, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Quảng Trị đang được triển khai đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng khó…
Ruộng lúa hữu cơ đã xuống giống hơn 30 ngày. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN |
Được triển khai từ vụ Hè Thu 2017 đến nay, qua 5 mùa vụ, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Quá trình sản xuất với việc không dùng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bảo vệ môi trường đồng ruộng và sức khỏe người dùng nên mô hình nhận được sự ủng hộ tích cực từ thị trường cũng như góp phần tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng. Mặt khác, với phương thức sản xuất này, các diện tích lúa ít bị sâu bệnh phát sinh và phá hại. Điển hình trong vụ Hè Thu 2017, mặc dù sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chịu nhiều bất lợi do thiên tai và dịch bệnh như: rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen nhưng tại 100% mô hình sản xuất lúa hữu cơ không bị nhiễm bệnh, trong khi đó năng suất lúa vẫn tương đương ruộng đại trà. Ông Nguyễn Giang, Giám đốc Hợp tác xã Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cho biết, Vụ Hè Thu 2019, hợp tác xã có 50 hộ dân tham gia canh tác 23 ha đất lúa hữu cơ. Hợp tác xã thực hiện nghiêm túc không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong quá trình chăm sóc lúa. Qua quá trình tham gia liên kết sản xuất, đầu ra cho lúa hữu cơ rất ổn định, hệ sinh thái ruộng đồng dần hồi sinh và phát triển tốt. Đặc biệt, chất lượng gạo đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Hiện nay, trung bình các diện tích sản xuất lúa hữu cơ của hợp tác xã có năng suất đạt 70 tạ/ha. Lúa tươi được Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị thu mua ngay tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha canh tác lúa hữu cơ mang lại lợi nhuận từ 20-23 triệu đồng cho người nông dân, hiệu quả kinh tế cao gần gấp đôi so với phương thức sản xuất truyền thống… Hiện tỉnh Quảng Trị có tất cả 6 hợp tác xã, tổ hợp tác ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị trên diện tích hơn 105 ha đất lúa. Hiện nay, đã hình thành các vùng sản xuất được quy hoạch tập trung, sản xuất trên cánh đồng lớn như: Hợp tác xã Phước Thị (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) 20 ha; Tổ hợp tác Long Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) 10 ha; hợp tác xã Đức Xá (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) 40 ha... Với năng suất lúa tươi dao động từ 5 – 8 tấn lúa tươi/ha/vụ/năm thì giá trị thu nhập trung bình mỗi ha lúa hữu cơ dao động từ 60 – 96 triệu đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất đại trà từ 20 - 40 triệu đồng/ha/năm. Mô hình được thực hiện cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất sạch, hữu cơ theo hướng bảo vệ môi trường bền vững. Việc quy hoạch vùng sản xuất, sản xuất trên cánh đồng lớn đã giúp người nông dân thay đổi phương thức hợp tác, liên kết trong sản xuất. Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết: Dự án sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị theo chuỗi giá trị với sự tham gia liên kết của 4 nhà; trong đó, Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị cùng với các Hợp tác xã và Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu. Qua 5 vụ sản xuất, đến nay mô hình này đã khẳng định được hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Dù thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị chỉ mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam nhưng đã khẳng định được chất lượng và hiện đang có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị trên cả nước như: 7 Eleven, Queen Mart, US Mart... Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, phát triển và mở rộng diện tích sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị với quy mô bình quân từ 300-500 ha/năm. Đồng thời, xúc tiến để xây dựng Nhà máy chế biến gạo hữu cơ Quảng Trị dự kiến đi vào hoạt động vụ Đông Xuân 2019 - 2020 nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Nhà máy đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, có liên kết doanh nghiệp, với diện tích lúa hữu cơ trên địa bàn đạt 1.000 - 2.000 ha, tập trung chủ yếu ở Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh và Gio Linh…
Thanh Thủy
TTXVN