Phát triển mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học

Phát triển mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học
Nông dân Nguyễn Văn Thái bón phân hữu cơ cho lúa. Ảnh:nhandan.com.vn
Nông dân Nguyễn Văn Thái bón phân hữu cơ cho lúa. Ảnh:nhandan.com.vn
Thay đổi cách làm Những năm trước, hai xã Long Hòa, Hòa Minh được xem là vùng đất nghèo, rất khó phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác lợi thế nước mặn, đầu năm 2000, nhiều hộ dân ở đây đã chuyển đổi đất trồng lúa sang chuyên nuôi tôm sú. Nhưng do người dân thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm cho nên thất bại. Trong khi trồng lúa năng suất bấp bênh, nuôi tôm hiệu quả không như mong muốn, lãnh đạo địa phương đã nỗ lực tìm lối đi mới cho sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2003, thông qua Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng nông nghiệp huyện, các viện, trường, các nhà nông học đã về hai xã cù lao này để thực nghiệm và hướng dẫn nông dân làm quen với mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học. Hiệu quả của mô hình đã mở hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo nên bước ngoặt cho vùng đất hai xã cù lao chuyển mình. Từ đó, đời sống người dân nơi đây từng bước được cải thiện, nhiều hộ trở thành tỷ phú… Nông dân Nguyễn Văn Huệ, ấp Xẻo Ranh xã Long Hòa cho biết, từ năm 2003, người dân Long Hòa bắt đầu làm quen với sản xuất lúa bón phân, phun thuốc hữu cơ sinh học; nhưng lúc này chưa có nơi bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn lúa thường. Nông dân sản xuất lúa hữu cơ là nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giữ cho môi trường nước sạch. Mãi đến năm 2015, các hộ dân mới ký được hợp đồng trồng lúa hữu cơ sinh học với Công ty Hồng Tin. Theo hợp đồng, công ty hỗ trợ năm thứ nhất 50% lúa giống, 20% lượng phân bón, bao thu mua lúa giá cao hơn gấp 1,5 lần so với giá lúa thường cùng loại, cùng thời điểm. Từ năm thứ hai trở đi, nông dân được hỗ trợ 50% giống, 10% phân bón và bao thu mua giá lúa cao gấp hơn 1,8 lần. Nói về quá trình phát triển diện tích lúa hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thái, Trưởng tổ sản xuất lúa hữu cơ số 5, ấp Bà Liêm, xã Hòa Minh cho biết, năm đầu vận động thành lập tổ sản xuất lúa hữu cơ, chỉ có bốn nông dân đồng tình tham gia, các hộ khác chưa chịu tham gia vì sợ làm không đạt. Nhưng qua thực tế sản xuất năm đầu, năng suất lúa hữu cơ chỉ thấp hơn so với lúa thông thường một ít; mà ngược lại được bao thu mua với giá cao, cho nên lợi nhuận từ lúa lại nhỉnh hơn. Đồng thời, nguồn lợi thu từ thủy sản nuôi kết hợp trên ruộng lúa hữu cơ cao gấp hơn hai lần. Vì vậy, sang năm thứ hai đã có thêm hơn 10 người xin tham gia vào tổ sản xuất lúa hữu cơ sinh học của ông. Nông dân Huỳnh Văn Hiền, Trưởng tổ sản xuất lúa hữu cơ ấp Giồng Giá, xã Hòa Minh cho biết, làm theo nông dân ấp Bà Liêm, đây là năm sản xuất lúa hữu cơ thứ hai ở Giồng Giá. Năm đầu tiên, tổ của ông chỉ vận động được 10 hộ tham gia; năm thứ hai đã có thêm 12 hộ xin tham gia tổ sản xuất lúa hữu cơ.
Ngành chuyên môn và nông dân tham quan mô hình lúa hữu cơ sinh học tại xã Long Hòa, huyện Châu Thành. Ảnh: travinh.gov.vn
Ngành chuyên môn và nông dân tham quan mô hình lúa hữu cơ sinh học tại xã Long Hòa, huyện Châu Thành. Ảnh: travinh.gov.vn
Nhân rộng các mô hình Lợi ích của sản xuất lúa hữu cơ sinh học còn mang lại khả năng gia tăng hiệu quả nuôi các loài thủy sản trong điều kiện quảng canh và quảng canh cải tiến. Theo các hộ nông dân ở hai xã, bình quân năng suất tôm ở mô hình lúa hữu cơ xen tôm càng xanh là 500 kg/ha; cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 40 triệu đồng. Ngoài ra, nông dân còn có thể nhử các loài thủy sản tự nhiên từ sông như: tôm đất, tép, cá kèo, cá đối, cua, cá lóc, cá trê, rô đồng… vào ruộng để đánh bắt tăng thêm thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/vụ/ha. Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi trồng thuỷ sản còn mang lại hiệu quả về bảo vệ môi trường, và trực tiếp là sức khỏe của người sản xuất . Tuy nhiên, do lợi ích kinh tế trước mắt, vẫn còn nhiều nông dân chưa mặn mà với mô hình này. Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa Nguyễn Thanh Cần lo ngại, hiện nay, nhiều nông dân trên vùng đất hai xã cù lao đang hướng sang mô hình nuôi chuyên tôm càng xanh. Lợi nhuận của việc nuôi chuyên tôm càng xanh đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, cao gần gấp hai lần mô hình lúa hữu cơ sinh học. Xu hướng này đang là nỗi lo của chính quyền địa phương, vì đầu ra của tôm càng xanh không ổn định. Bí thư Huyện ủy Châu Thành Lâm Sáng Tươi khẳng định: Nghị quyết của huyện về phát triển nông nghiệp đặc biệt chú trọng việc nhân rộng mô hình lúa hữu cơ. Đến nay, mô hình lúa hữu cơ tại hai xã cù lao đã mở rộng lên gần 220 ha. Đây là mô hình sản xuất có hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo mở rộng. Vì vậy, không chỉ phát triển trên vùng đất cù lao, huyện Châu Thành cũng đang kết hợp Trường đại học Trà Vinh thí điểm tại địa bàn xã Phước Hảo, với diện tích dự kiến của mô hình lúa hữu cơ là khoảng 400 ha, tạo tiền đề để nhân rộng ra vùng đất có điều kiện địa lý, thổ nhưỡng tương tự phía đông quốc lộ 53 thuộc các xã Hưng Mỹ, Hòa Thuận và Hòa Lợi. 
Theo:nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm