![]() |
Nông dân Nguyễn Văn Thái bón phân hữu cơ cho lúa. Ảnh : travinh.tintuc.vn |
Vụ Thu Đông 2017, đã có 31 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ không hoàn lại 30% chi phí giống OM5451, 20% vật tư nông nghiệp. Công ty TNHH MTV phân bón hữu cơ cao cấp Winwintech (tỉnh Đồng Tháp) đầu tư phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá 6.000 đồng/kg.
Kết quả, mô hình được ngành nông nghiệp huyện và nông dân tham gia đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách canh tác truyền thống, giảm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cây lúa phát triển tốt, không sâu bệnh, năng suất cao hơn ngoài mô hình bình quân khoảng 0,5 tấn/ha, giá bao tiêu cũng cao hơn từ 500-700 đồng/kg…
Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình còn giúp môi trường sinh thái được ổn định trên phạm vi rộng, sản phẩm lúa hàng hóa được an toàn và bền vững, thị trường tiêu thụ mở rộng…
Ông Dương Văn Cộng, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú cho biết, từ khi sử dụng phân hữu cơ sinh học để canh tác cây lúa kháng bệnh tốt hơn, lúa ra rễ khỏe hơn hẳn, đẻ nhánh và nở bụi rất tốt, cây lúa cứng cáp nên hạn chế được tình trạng đổ ngã. Ruộng lúa 1ha của gia đình ông trước đây sản xuất theo cách truyền thống năng suất chỉ đạt 5 tấn/ha, nhưng khi tham gia mô hình, năng suất đạt hơn 6 tấn/ha. Điều an tâm nhất là được bao tiêu sản phẩm nên gia đình ông không phải lo lắng vấn đề đầu ra.
Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 200 ha trồng lúa hữu cơ sinh học tại 2 xã cù lao Long Hoà và Hoà Minh, huyện Châu Thành. Việc sản xuất lúa sinh học hữu cơ là xu thế hiện nay, nhằm cung cấp nguồn lương thực sạch cho nhu cầu thị trường, đồng thời giúp nông dân tăng thu nhập, môi trường sống ở nông thôn được đảm bảo an toàn, trong lành, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tỉnh Trà Vinh đang phấn đấu xây dựng vùng lúa hữu cơ 1.000 ha./.