Kiên Giang triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ

Kiên Giang triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ
Nông dân xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang) thu hoạch lúa bằng cơ giới. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Nông dân xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang) thu hoạch lúa bằng cơ giới. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo ông Trần Văn Mây, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp hữu cơ Long An, công nghệ sinh học, hữu cơ vào nông nghiệp sản xuất hướng đến việc duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Vì vậy, những năm qua công ty đã triển khai một số tỉnh, thành thực hiện theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất và đạt được hiệu quả rất tốt.

Tại Kiên Giang, trước mắt, công ty sẽ triển khai ký kết thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã diện tích 20.000 ha. Theo đó, công ty sẽ đầu tư cho thành viên hợp tác xã 100% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bằng hữu cơ sinh học; đến cuối vụ mới thanh toán và không tính lãi. Công ty cử kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật cho thành viên hợp tác xã. Công ty cam kết sẽ thu mua theo giá thị trường tại thời điểm chốt giá và cộng thêm 100 đồng/kg.

Theo ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, đến cuối năm 2018, tỉnh Kiên Giang có 299 hợp tác xã sản xuất lúa với tổng diện tích 50.000 ha. Những năm qua nông dân nói chung và thành viên hợp tác xã sản xuất lúa nói riêng, hằng năm luôn gặp phải khó khăn do tình trạng được mùa mất giá và được giá thì mất mùa. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ thu mua lúa tại kho và thu mua chủ yếu thông các thương lái. Do đó, nông dân hay bị thương lái ép giá, kéo dài thời gian thanh toán, thậm chí có nông dân bị quỵt tiền lúa...

Từ năm 2015 đến nay, để có được vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp đã trực tiếp xuống ký hợp đồng mua lúa với từng hộ nông dân. Do doanh nghiệp không ký hợp đồng với hợp tác xã nên tình trạng phá hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân xảy ra, gây mất ổn định tại địa phương.

Ông Trần Thanh Dũng cho biết, việc thực hiện khâu tiêu thụ trong chuỗi liên kết thời gian đầu sẽ gặp không ít khó khăn do thành viên hợp tác xã đã quen sản xuất lúa theo phương thức thông thường. Khi sản xuất theo chuỗi, nông dân phải canh tác theo quy trình nên ngán ngại, hoặc sợ không đảm bảo năng suất do phải sử dụng giống lúa mới và loại vật tư nông nghiệp mới theo yêu cầu của doanh nghiệp... Chính vì vậy, thành viên hợp tác xã chưa tích cực tham gia.

Thời gian tới, khi hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và được doanh nghiệp đầu tư vốn, san lấp mặt bằng, lúa giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa an toàn, tiếp cận được trình độ quản lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng sẽ định hướng cho hợp tác xã trong việc sản xuất kinh doanh, thành viên hợp tác xã an tâm được ổn định đầu ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi là có được vùng nguyên liệu ổn định, có chỉ dẫn địa lý sẽ thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế.

Sau lễ ký kết, ông Trần Thanh Dũng phát động phong trào hợp tác xã trong tỉnh tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ.
 
Lê Sen

Có thể bạn quan tâm