Lễ hội Mạ ma của người Xinh Mun

Lễ hội Mạ ma của người Xinh Mun
Người Xinh Mun sống tập trung tại vùng núi cao thuộc tỉnh Sơn La. Vào mùa Xuân, đồng bào thường tổ chức Lễ hội Mạ ma thể hiện ước vọng trời yên vật thịnh và tài diễn xướng văn nghệ dân gian của dân tộc mình.
Trung tâm Lễ hội Mạ ma là cây hoa (xặng bok) tượng trưng cho cây đời. Để chuẩn bị cho cây hoa “xặng bok” là cả một quá trình công phu. Người chuẩn bị là thầy mo và những “con nuôi” là người ốm do thầy chữa khỏi cùng với người dân trong bản.

Một cây tre cao khoảng 3m được chọn làm “thân” cây, cành lá, hoa quả trên cây là những hình chim, chuồn, sóc… Ngoài ra còn có cá, xương cá, con ve… và các vật dụng người Xinh Mun sử dụng như ô dù, chống chỉ, trống gỗ, tàu voi, tàu ngựa, cày bừa… Dưới gốc cây hoa trồng cây chuối lộn ngược, rêu, củ măng, quả bầu nậm… Xung quanh “xặng bok” là những bàn thờ cùng các mâm cúng với nhiều loại thức ăn.
Thiếu nữ Xinh Mun
Thiếu nữ Xinh Mun

Chủ trì lễ hội là thày tào, một hay hai đôi nam nữ giúp việc thày tào gọi là “báo chạu, xao chua”. Ban Chủ trì còn có thêm 2 thầy mo và 2 người thổi sáo, đánh chiêng.

Bắt đầu lễ hội, thầy mo sẽ chủ trì lễ cúng. Trong lúc thầy cúng thì chiêng, sáo cũng hòa nhịp, tạo âm thanh cho mọi người tham gia múa xòe và tăng bu xung quanh cây hoa “xặng bok”.

Trong lễ hội, người Xinh Mun tổ chức rất nhiều trò chơi như đấu kiếm, khỉ ăn chuối, trâu đằm, thằng ngốc… đặc biệt là “túc căn”, “lạc gưa”, “xòe họa” và “xòe tenh”… “Túc căn” và “Lạc gưa” là những trò mang tính biểu tượng, “túc căn” là đấu kiếm: hai người rút hai cần rượu cần, vờ làm kiếm xông vào đấu với nhau giữa tiếng hò reo cổ vũ của mọi người cho đến khi kiếm gãy nát mới thôi. “Lạc gưa” là kéo thuyền, mọi người dùng dây mây, chia hai phe kéo nhau…

Lễ hội Mạ ma của người Xinh Mun thể hiện nét đẹp tinh túy nhất về tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng của đồng bào hiện vẫn được bảo tồn, gìn giữ.

Theo baodantoc.com.vn

Dân tộc Xinh Mun Dân tộc Xinh Mun

Tên tự gọi: Xinh Mun

Tên gọi khác: Puộc, Xá, Pnạ

Nhóm địa phương: Xinh, Mun Dạ, Xinh Mun Nghẹt.

Dân số: 23.278 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Người Xinh Mun giỏi tiếng Thái.

Lịch sử: Người Xinh Mun đã từng sinh sống lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam.

Hoạt động sản xuất: Họ chuyên trồng lúa trên nương, một số ít làm ruộng.

Ăn: Người Xinh Mun ăn cơm nếp, cơm tẻ, thích gia vị cay, uống rượu cần, có tập quán ăn trầu, nhuộm răng đen.

Mặc: Y phục của họ giống người Thái.

: Họ ở nhà sàn. Nhà có mái vòm hình mai rùa.

Phương tiện vận chuyển: Phổ biến dùng gùi đeo trên trán.

Quan hệ xã hội: Gia đình nhỏ, phụ quyền là chủ yếu, nhưng những đại gia đình gồm ba thế hệ hay các anh em trai đã có vợ vẫn sống chung trong một nhà còn tồn tại khá đậm nét. Số lượng thành viên trong nhà khoảng 10-15 người, cũng có nhà lên tới 20-30 người. Người Xinh Mun có nhiều họ nhưng phổ biến nhất là hai họ: họ Vì và họ Lò.

Cưới xin: Phổ biến tục ở rể. Trước đây con trai phải ở rể khoảng 8-12 năm hoặc ở rể suốt đời nếu bên vợ không có con trai. Trong lễ cưới đi ở rể, cô dâu, chú rể phải đổi tên của mình lấy một tên mới chung cho cả hai người. Tên chung này do bố mẹ vợ, ông cậu đặt cho, đôi khi lại phải bói xin âm dương để tìm tên chung. Cô dâu búi tóc ngược lên đỉnh đầu biểu hiện là người con gái đã có chồng. Ngay trong hôm cưới đi ở rể, đôi vợ chồng mới cưới trở về nhà trai 2, 3 ngày rồi mới sang ở hẳn nhà gái cho đến hết thời gian ở rể. Lễ cưới đưa dâu về nhà trai tổ chức sau khi hết thời gain ở rể, lúc đó đôi vợ chồng đã có một hoặc vài con. Lễ lại mặt tổ chức sau đó vài ngày, hay một năm.

Sinh đẻ: Phụ nữ có mang vẫn đi nương, đi rừng cho đến tận ngày sinh. Sản phụ đẻ ngồi cạnh bếp nấu cơm, ngay trong nhà. Mẹ chồng, chồng hay một bà già láng giềng đỡ đẻ. Cắt rốn bằng cách: kéo rốn dài đến mắt cá chân đứa trẻ rồi buộc nút lại, từ đó lại kéo dài tiếp một đoạn như thế nữa rồi mới cắt. Nhau đẻ đựng trong ống tre, treo lên cây cao nơi có ít người qua lại. Trẻ gần một tuổi mới mời thầy cúng về, làm lễ đặt tên.

Nhà mới: Người Xinh Mun có tập quán ai dựng nhà thì cả bản đến giúp nên nhà chỉ làm vài ngày là xong. Họ thường làm nhà vào dịp sau vụ gặt và chọn đất dựng nhà bằng cách bói xem đất dựng nhà bằng bói xem đất có hợp với các thành viên trong nhà không. Ngày nước (các ngày 2, 6, 8, 9 trong tháng) thích hợp với việc làm nhà. Kiêng ngày hoả tức các ngày 1 và 7. Ông cậu là người dựng cột chính, trên treo nhiều vật tượng trưng cho sự phồng thực, đầy đủ của gia đình như bông lúa, con dao, cái thớt, các vật biểu tượng âm, dương vật. Ông cậu cũng là người đốt ngọn lửa đầu tiên trên bếp nấu cơm của căn nhà mới. Ngọn lửa ấy được giữ không tắt trong suốt đêm đầu tiên.

Ma chay: Tiếng súng trong nhà báo hiệu có người chết, cùng lúc đó người con trai ném ông đầu rau vào nơi thờ cúng tổ tiên bày tỏ một sự giận giữ truyền thống. Mọi điều kiêng kỵ hàng ngày của gia đình cũng như của người con rể nay được huỷ bỏ, người ta nấu cơm trên bếp sưởi, đặt tai ninh theo chiều ngang nhà, con rể lo mọi việc cơm nước. Không dùng quan tài gỗ mà chỉ bó cót. Chọn đất đào huyệt bằng cách ném trứng trên khu vực định sẵn, trứng vỡ ở đâu thì huyệt được đặt ở đó. Nhà mồ được làm cẩn thận, có đủ thứ cần thiết tượng trưng cho người chết. Người Xinh Mun không có tục cải táng và tảo mộ.

Thờ cúng: Thờ cúng tổ tiên hai đời, bố mẹ và ông bà. Biểu trưng cho nơi thờ tổ tiên là một chiếc xương hàm lợn, ít trầu đựng trên nắp giỏ cơm, ống tre đựng nước. Cúng vào các dịp cơm mới, đám cưới, nhà mới. Việc thờ cúng tổ tiên, tuỳ nơi, có thể chỉ do anh cả, cũng có thể do các anh em trai cùng đảm nhiệm. Bố mẹ vợ được thờ riêng ở một chiếc lán nhỏ, bên cạnh nhà, cơm nước cúng được nấu ở ngoài nhà. Lễ cúng bản hàng năm rất được coi trọng.

Học: Trước đây, một số người biết sử dụng chữ Thái, nay dùng chữ phổ thông.

Văn nghệ: Người Xinh Mun thích hát và múa vào các dịp tết lễ, ngay trên nhà. Trai gái, nam nữ hát đối với nhau rất tự nhiên.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm