Lào Cai tạo "sức mạnh mềm" cho sản phẩm OCOP

Thời gian qua, các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Lào Cai cơ bản đã phát huy được lợi thế vùng miền, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn sản phẩm chưa phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng lợi thế, đòi hỏi các cấp chính quyền, địa phương có những giải pháp khả thi hơn. Một trong số đó chính là chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống vào sản phẩm OCOP, xây dựng “câu chuyện sản phẩm” thú vị, tạo “sức mạnh mềm” thành đòn bẩy tiêu thụ sản phẩm.

114339-4-san-pham-cua-tinh-lao-cai-du-o-c-kha-ch-ha-ng-ua-chuong-20220211173145-20230407120852.jpg
Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm OCOP của Lào Cai. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

OCOP kể chuyện

Tỉnh Lào Cai hiện có trên 200 sản phẩm OCOP; trong đó, nhiều sản phẩm có thể có quy mô không lớn, nhưng độc đáo, đều mang tính lịch sử và có câu chuyện văn hóa, được tạo ra bằng những kinh nghiệm của người dân cũng như bàn tay của nghệ nhân.

Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Lan Rừng, Sa Pa là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển nghề dệt thêu thổ cẩm theo hướng hàng hoá. Từ những nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đến nay Công ty có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh; mỗi năm bán ra thị trường trên 700 mã sản phẩm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng.

Chị Cung Thanh Mai, Giám đốc Công ty cho biết, mỗi tấm vải thổ cẩm là những câu chuyện về đời sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây. Ví dụ, những hình thêu cầu kỳ, tinh tế ngoài giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ cao còn là những câu chuyện dài về lịch sử cội nguồn dân tộc Dao. Như hoa văn cây thông biểu tượng cho giai đoạn văn hóa chuyển từ vùng sông nước lên vùng núi non, mát mẻ của người Dao; con cá chính là con vật có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết về với tổ tiên; con chim có trách nhiệm đưa thư giữa hai cõi, từ trần gian lên thượng giới...

Còn đối với thổ cẩm của người Mông đen, có 3 nhóm hoa văn đặc trưng đó là: họa hình động vật xung quanh; họa hình cây cỏ, hoa lá và họa hình công cụ lao động. Người Mông đen coi thổ cẩm không chỉ là vật bảo vệ con người theo ý nghĩa sinh học thông thường, mà còn là vũ khí chống lại mọi ma tà, hay giúp cho con người có thêm sức mạnh. Có thể dễ dàng nhận ra cả một thế giới thu nhỏ in dấu nhân sinh quan độc đáo của người Mông trên một sản phẩm thổ cẩm.

Chị Mai Anh, du khách Bến Tre khi đến Sa Pa chỉ định mua một chiếc khăn thổ cẩm để choàng giữ ấm. Nhưng sau khi được giới thiệu về ý nghĩa những chi tiết hoa văn, nguyên liệu, kỹ thuật thêu trong từng sản phẩm chị đã quyết định mua hàng loạt về làm quà cho người thân. Chị chia sẻ, bản thân rất xúc động và tự hào khi biết mình đang sở hữu không chỉ một chiếc khăn, mà còn là một sản phẩm mang hồn cốt văn hóa của một tộc người, mang niềm kiêu hãnh của nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa cha ông để lại.

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn với ngành nghề kinh doanh chính là chiết xuất tinh dầu thiên nhiên và hoạt động các dịch vụ liên quan đến nông, lâm nghiệp. Trong đó, tinh dầu đại bi là sản phẩm chủ lực đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Lào Cai năm 2021. Đây là một loại tinh dầu hiếm có trên thị trường, được chiết xuất 100% từ cây đại bi đã được chứng minh có công dụng làm giảm căng thẳng, cảm cúm, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu đau răng, say các chất có cồn, mất ngủ; có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm.

Anh An Văn Tuấn, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ, mỗi sản phẩm của Hợp tác xã đều là một bài thuốc và có câu chuyện riêng. Người Tày ở Văn Bàn ai cũng biết vài cây thuốc để chữa bệnh thông thường. Họ truyền tai nhau hoặc chỉ cho nhau biết về cây thuốc trong những lần đi rừng, nhiều người giỏi hơn thì bốc các bài thuốc chữa được bệnh nan y. "Tôi trưởng thành khi quanh nhà ở là những vườn thuốc của gia đình. Từ trẻ nhỏ đến người già khi bị cảm, sốt, ho hen hay đau dạ dày, đại tràng, gout, xương khớp... đều có thể dùng các bài thuốc Nam trong vườn mà không cần đến điều trị bằng thuốc Tây", anh Tuấn cho biết.

“Trên thị trường Việt Nam chưa có sản phẩm nào được sản xuất từ cây đại bi. Philippines và Trung Quốc phát triển khá mạnh về cây dược liệu này, nhưng sản phẩm của họ chủ yếu là dạng bột trà. Dù lượng tinh dầu trong cây đại bi thấp, nhưng lại có nhiều công dụng đã thôi thúc tôi theo đuổi và đưa hợp tác xã trở thành đơn vị duy nhất sản xuất sản phẩm này ở thị trường trong nước”, anh An Văn Tuấn cho biết. Đến nay, từ sản phẩm tinh dầu, Hợp tác xã đã cho ra thêm nhiều loại sản phẩm từ cây đại bi như trà túi lọc, cao lá, tinh chất, tinh dầu, nước súc miệng... và luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu".

Các sản phẩm OCOP trên đều mang thông điệp về giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng và niềm tự hào của người làm ra. Đây chính là yếu tố then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường bởi nó mang giá trị vô hình, có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của khách hàng, thay đổi hành vi của khách hàng, trở thành một phần lý do họ mua hàng. Tuy vậy không phải sản phẩm OCOP nào của Lào Cai cũng làm được điều ấy.

* Gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Lào Cai có hàng trăm sản phẩm OCOP nhưng không phải sản phẩm nào cũng phát triển bền vững. Tính riêng năm 2023, Lào Cai có 9 sản phẩm phải đánh giá lại nhưng không tham gia đánh giá lại. Nguyên nhân là một số sản phẩm không duy trì được nguồn nguyên liệu ổn định, không tìm được thị trường; có 8 sản phẩm tụt hạng từ 4 sao xuống 3 sao do chưa có bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc tiêu chuẩn chế biến tiên tiến theo quy định...

Trong những năm qua, Lào Cai đã có nhiều giải pháp và triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Đồng hành cùng các chủ thể OCOP, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó quy định hỗ trợ trực tiếp 15 triệu/sản phẩm 3 sao; 30 triệu/sản phẩm 4 sao đối với sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh; 80 triệu/sản phẩm 5 sao đối với sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng đã triển khai, lồng ghép nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ khác nhau cho các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP như: hỗ trợ tem logo OCOP vào bao bì sản phẩm, hỗ xúc tiến thương mại như tổ chức tham gia trưng bày, xúc tiến thương mại tại các hội chợ thương mại, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm...

Tuy nhiên, theo Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai Chương trình OCOP, còn coi chứng nhận OCOP là “giấy thông hành” để được đủ điều kiện công nhận xã nông thôn mới nâng cao, chứ chưa coi đó là giải pháp phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế và gia tăng giá trị cũng nhưng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sản vùng miền ở mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các hộ sản xuất nhỏ, kể cả hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khó có thể cạnh tranh với các đơn vị sản xuất quy mô lớn về các chiến lược quảng cáo hay thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, OCOP Lào Cai đang khai thác tiếp cận thị trường theo một cách khác, đó là dựa vào chính sự đặc sắc có tính bản địa để tạo "sức mạnh mềm" cho sản phẩm với lợi thế tỉnh sở hữu nhiều địa danh du lịch nổi tiếng thu hút từ 5-7 triệu lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm.

Trong năm 2024, Lào Cai xác định lưu ý các chủ thể lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề để tham gia OCOP. Ngoài ra, địa phương chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm