Khó khăn để nâng sao cho các sản phẩm OCOP của Lào Cai

Sản phẩm bưởi đường của xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn thu hút khách hàng. Ảnh: ocoplaocai.gov.vn
Sản phẩm bưởi đường của xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn thu hút khách hàng. Ảnh: ocoplaocai.gov.vn

Tính đến hết tháng 3/2023, tỉnh Lào Cai có 163 sản phẩm của 81 chủ thể thuộc 60 xã, phường và thị trấn được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, đạt 65% so với mục tiêu Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Tuy nhiên hiện nay, việc nâng sao cho các sản phẩm OCOP của Lào Cai đang gặp nhiều khó khăn, do nhiều sản phẩm của địa phương này có chất lượng tốt nhưng vẫn thiếu nhiều tiêu chí để hội đồng thẩm định cấp tỉnh và trung ương có thể xét nâng sao cho sản phẩm.

Khó khăn để nâng sao cho các sản phẩm OCOP của Lào Cai ảnh 1Sản phẩm bưởi đường của xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn thu hút khách hàng. Ảnh: ocoplaocai.gov.vn

Các địa phương có sản phẩm OCOP gồm: thị xã Sa Pa có 37 sản phẩm, thành phố Lào Cai 8 sản phẩm, Bát Xát 12 sản phẩm, Mường Khương 14 sản phẩm, Bắc Hà 12 sản phẩm, Bảo Thắng 30 sản phẩm, Bảo Yên 25 sản phẩm, Văn Bàn 21 sản phẩm và Si Ma Cai 4 sản phẩm. Trong con số trên thì có tới 144 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm đạt 4 sao và không có sản phẩm đạt 5 sao.

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, đặc sắc, nhưng số lượng sản phẩm 4 sao của Lào Cai còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số sản phẩm được xếp hạng cấp tỉnh (chiếm 15,9%). Tuy nhiên, trong số này cũng chỉ có một số sản phẩm OCOP tiềm năng để có thể đầu tư xếp hạng 5 sao, nhất là các sản phẩm về dược liệu, chè, quế. Hiện nay, mới có 2 sản phẩm là trà phun sương Atiso Sa Pa và cao mềm Atiso Sa Pa của Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định trình Hội đồng quốc gia đánh giá, xếp hạng 5 sao.

Phân tích về việc khó nâng sao sản phẩm OCOP, ông Chu Hoàng Nguyện cho rằng, quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao và có hồ sơ đăng ký trình hội đồng thẩm định, xét, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến số lượng chủ thể đăng ký, xét nâng sao cho sản phẩm chính là sự khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn đánh giá. Trong đó, để nâng cấp dây chuyền, máy móc sản xuất cần kinh phí tương đối lớn, trong khi hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ và các hộ sản xuất cá thể. Mặc dù hiểu được lợi ích từ nâng sao OCOP, nhưng nhiều chủ thể chưa đủ điều kiện để mạnh dạn đầu tư. Do đó, các cơ sở chưa sẵn sàng đăng ký nâng sao cho các sản phẩm mà chỉ chú trọng giữ vững tiêu chí, chất lượng sản phẩm để hội đồng cấp tỉnh xét, đánh giá công nhận lại danh hiệu OCOP khi đến hạn.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa cho biết thêm, sản phẩm OCOP khi đạt 4 hoặc 5 sao chính là sự khẳng định thương hiệu, là tiền đề để đưa sản phẩm phát triển, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng; là điều kiện cần và đủ để vươn xa trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Xuất phát từ điều này, công ty đã đầu tư để xây dựng sản phẩm OCOP (5 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao). Công ty đã đầu tư xây dựng 2 sản phẩm để đạt tiêu chí đánh giá, công nhận 5 sao. Tuy nhiên, việc đầu tư khá lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực thì mới triển khai được.

Ngoài nguyên nhân về nguồn lực, thì “rào cản” về kinh phí hỗ trợ xây dựng, nâng sao sản phẩm OCOP còn ít, chủ yếu lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; sự vào cuộc, định hướng, quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với việc nâng sao sản phẩm OCOP chưa sâu sát nên các chủ thể chưa mặn mà đầu tư nâng sao sản phẩm.

Để tháo gỡ những khó khăn trong việc nâng sao sản phẩm OCOP, theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, các địa phương, đơn vị liên quan cần tích cực tuyên truyền để các chủ thể hiểu rõ sự cần thiết phải nâng sao sản phẩm OCOP, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nổi bật, phù hợp cho sản phẩm đạt sao ở mức cao hơn.

Quan trọng hơn, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tham gia tích cực hơn đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, không chỉ phấn đấu có sản phẩm OCOP để đạt một trong những tiêu chí công nhận xã nông thôn mới nâng cao, mà phải coi sản phẩm OCOP là niềm tự hào của địa phương khi sản phẩm chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,… đảm bảo theo quy định để từng bước sao cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Hồng Ninh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm