Làng nghề truyền thống ở Bình Định tất bật sản xuất, tăng thu nhập dịp Tết

Làng nghề truyền thống ở Bình Định tất bật sản xuất, tăng thu nhập dịp Tết

Những ngày giáp Tết, trước nhu cầu cao của người tiêu dùng, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định lại tất bật sản xuất, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn là một trong những làng nghề nổi tiếng về sản xuất bánh tráng. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, các hộ hành nghề này thuê thêm nhiều lao động tất bật tráng, phơi và gom bánh tráng khô để kịp giao theo đơn đặt hàng sẵn của thương lái. Bình quân mỗi ngày, mỗi hộ chuẩn bị vài tạ nguyên liệu gạo, sắn và tráng được khoảng vài trăm ký bánh.

Ông Thái Văn Vinh, chủ cơ sở tráng bánh ở thôn Mỹ Thạnh cho biết, năm nay giá tăng hơn năm ngoái, đơn đặt hàng cũng nhiều hơn nên gia đình ông tranh thủ tăng ca kiếm thêm thu nhập. Không chỉ ở Bình Định, bánh tráng được thương lái thu mua và bán lại ở nhiều tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum.

Chị Nguyễn Thị Vân, xã Nhơn Phúc, đều đặn trở từng vỉ bánh dưới nắng trời. Những mảng bánh khô tách ra khỏi vỉ tre phát lên âm thanh "rạc, rạc" lạ tai. Chị Vân chia sẻ: “Thời điểm nông nhàn nên khá rãnh rỗi. Tôi xin vào làm ở cơ sở bánh tráng này để có đồng ra đồng vào chi tiêu dịp Tết. Công việc cũng khá ổn định, nhẹ nhàng, mỗi ngày thu về vài trăm ngàn đồng”.

Tại làng nghề sản xuất bún Song Thằn thôn An Thái, nhiều hộ dân đã tận dụng bãi cát ven sông để phơi bún. Bún Song Thằn được làm từ đậu xanh, thơm ngon đặc biệt và có giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều khách hàng tin dùng. Nó trở nên nổi tiếng hơn từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Các hộ làm nghề phấn khởi vì sản xuất tới đâu bán hết tới đó, có nguồn thu ổn định nhờ giá cả tăng cao.

Bà Võ Thị Nga, thôn An Thái, xã Nhơn Phúc cho hay, thường thì người ta sản xuất bún từ mấy tháng trước, tới tháng mưa thì nghỉ. Cận Tết, giá bún bất ngờ tăng mạnh, từ 200.000 lên 250.000 đồng/kg nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính vì thế, các hộ hành nghề phải tận dụng những ngày nắng ấm để sản xuất thêm bỏ cho mối quen.

Ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc thông tin, theo thống kê, mỗi cơ sở bún sản xuất khoảng 1 tấn nguyên liệu bột gạo mỗi ngày; cơ sở bánh tráng thì khoảng 300 kg bột gạo, sắn; chủ yếu phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Có thể đánh giá rằng, các cơ sở này đã cơ bản giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu/tháng. Thời gian tới, xã sẽ có chính sách hỗ trợ sân phơi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân yên tâm hành nghề.

Toàn xã Nhơn Phúc hiện có khoảng 50 cơ sở sản xuất bánh tráng và 30 cơ sở sản xuất bún. Các cơ sở này đang hoạt động khá ổn định, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lê Phước Vĩnh Trọng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm