Bình Định nâng cao chất lượng, xuất khẩu sản phẩm OCOP

Sản phẩm bánh tráng truyền thống của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị xã Hoài Nhơn) được công nhận OCOP 4 sao năm 2020. Ảnh: Tường Quân - TTXVN.
Sản phẩm bánh tráng truyền thống của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị xã Hoài Nhơn) được công nhận OCOP 4 sao năm 2020. Ảnh: Tường Quân - TTXVN.

Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018, đến nay toàn tỉnh Bình Định đã có 81 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn và phân hạng từ 3 đến 5 sao. Thông qua chương trình OCOP, nhiều làng nghề nông thôn được mở rộng, phát triển; một số sản phẩm được nâng cao chất lượng, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Bình Định nâng cao chất lượng, xuất khẩu sản phẩm OCOP ảnh 1Sản phẩm bánh tráng của Công ty TNHH Sachi Nguyễn đang xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Ảnh: Tường Quân - TTXVN.

Khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh Bình Định tích cực hỗ trợ cho người nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những chủ trương, chính sách của tỉnh ban hành đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Có nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình, tiến đến mở rộng thị trường xuất khẩu. Như sản phẩm bánh tráng truyền thống của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị xã Hoài Nhơn) đã xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Hay sản phẩm gà giống Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát) xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Bình Định nâng cao chất lượng, xuất khẩu sản phẩm OCOP ảnh 2Sản phẩm bánh tráng truyền thống của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị xã Hoài Nhơn) được công nhận OCOP 4 sao năm 2020. Ảnh: Tường Quân - TTXVN.

Đã có thời gian những người nông dân tại huyện miền núi Hoài Ân tính đến chuyện phá bỏ cây chè ở vùng đồi Gò Loi (xã Ân Tường Tây) để chuyển sang trồng các loại cây khác. Thế nhưng nỗ lực của địa phương cùng tâm huyết của một số hộ dân đã dần khôi phục được danh tiếng sản vật này.

Mới đây, vùng trồng chè Gòi Loi được UBND huyện Hoài Ân quy hoạch trên 45 ha, đến nay đã trồng được gần 15 ha. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm trà Gò Loi của 3 hộ dân thuộc Hợp tác xã nông nghiệp trà Gò Loi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, tạo cơ hội phát triển làng nghề nông thôn nơi đây.

Ông Nguyễn Phước Cầu, chủ cơ sở sản xuất trà Gò Loi Phước Cầu (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) cho biết, cây chè trồng trên đất đồi Gò Loi rất phát triển, khi làm ra trà có hương thơm và vị đậm đà riêng biệt. Do vậy, dù có giai đoạn sản phẩm trà làm ra ít người mua nhưng ông vẫn quyết tâm giữ nghề.

“Giữ lại và sống được với nghề sau nhiều năm, tôi động viên anh em cố gắng làm và hình thành hợp tác xã để cùng nhau phát triển. Cho đến nay, khi được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, chúng tôi rất phấn khởi. Đồng thời mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm để quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn”, ông Cầu nói.

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho biết: “Được tỉnh xét duyệt đạt OCOP trong năm 2020 với thang điểm khá cao là cơ hội để công ty quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài”.

Bình Định nâng cao chất lượng, xuất khẩu sản phẩm OCOP ảnh 3Thông qua chương trình OCOP, vùng trồng chè đồi Gò Loi (huyện Hoài Ân) được khôi phục, mở rộng sản xuất. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm được chứng nhận OCOP tại Bình Định có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao như: cá ngừ đại dương, gà giống, dầu dừa. Các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao đều là sản phẩm đặc trưng của địa phương, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sản xuất an toàn như: nước mắm, nón ngựa, bánh tráng, bún gạo, bưởi da xanh.

Theo ông Phan Thành Giản, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Bình Định, triển khai chương trình OCOP, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm có chất lượng của mình vào các siêu thị, đại lý và các chợ truyền thống để vừa bán sản phẩm vừa quảng bá thương hiệu.

“Ngoài việc thường xuyên tổ chức triển lãm, trưng bày quảng bá các sản phẩm OCOP, chúng tôi đã phối hợp với nhiều đơn vị để giới thiệu mặt hàng, sản phẩm OCOP trên các trang mạng xã hội, qua đây có thể kết nối sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng”, ông Giản chia sẻ.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu hàng năm phát triển mới 30 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Ngoài ra, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm gắn với tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm