Chương trình OCOP: Điểm nghẽn từ chính sách đến thực tiễn (Bài cuối)

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng- Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: nhandan.com.vn
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng- Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: nhandan.com.vn

Từ một địa phương là tỉnh Quảng Ninh phát kiến đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP) và nhân rộng Chương trình ra cả nước. Hiệu quả của Chương trình trong 3 năm thực hiện đã được các phương tiện truyền thông, các địa phương ca ngợi. Tuy nhiên, phía sau những thành công cũng đang bộc lộ những điểm nghẽn từ chính các địa phương - nơi triển khai chương trình. Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài cuối trong chùm bài "Chương trình OCOP: Điểm nghẽn từ chính sách đến cuộc sống" nhằm đem đến cho độc giả một góc nhìn khác về chương trình này cũng như các đề xuất, giải pháp cho chương trình giai đoạn tới.

Xóa “điểm nghẽn” cho OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) sau 3 năm triển khai đã giúp nâng tầm nông sản Việt và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Từ đó, tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất trên hầu hết diện tích đất nông nghiệp tại các tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Đồng thời, vẫn có hiện tượng “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP.

Để tìm hiểu những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng- Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương trình OCOP: Điểm nghẽn từ chính sách đến thực tiễn (Bài cuối) ảnh 1Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng- Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguồn: nhandan.com.vn

* Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, còn có ý kiến cho rằng, một số địa phương vẫn “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việc một số địa phương “xuê xoa” trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là vấn đề đã được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 vừa qua. Ở đây có nhiều lý do để có thể lý giải cho vấn đề này.

Chương trình OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng cũng bao hàm nhiều các lĩnh vực liên quan đến sản phẩm. Do đó, Hội đồng đánh giá, phân hạng ở địa phương nhiều lúc cũng khó khăn để rà soát, đánh giá một cách đầy đủ, tất cả các nội dung và lĩnh vực quản lý nhà nước, dẫn đến những vấn đề còn xuê xoa.

Bên cạnh đó, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được tổ chức ở tất cả các huyện, các tỉnh, thành phố, cơ bản đều là chưa có kinh nghiệm, lần đầu tổ chức đánh giá, phân hạng, đặc biệt là các địa phương đến năm 2020 mới tổ chức đánh giá, phân hạng. Do đó, về quy trình, cách làm và phương pháp đánh giá chưa có kinh nghiệm, dẫn đến những khó khăn.

Ngoài ra, mỗi địa phương đều đặt ra các mục tiêu cụ thể về số lượng sản phẩm, một số địa phương chưa rà soát kỹ về tiềm năng sản phẩm, chưa hiểu rõ về yêu cầu của chương trình dẫn đến mục tiêu cao hơn so với điều kiện và khả năng triển khai chương trình. Cùng với đó là áp lực về thành tích, dẫn đến sự xuê xoa trong đánh giá và phân hạng sản phẩm.

Mặt khác, Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng rất nhiều tiêu chí, chỉ tiêu; trong đó nhiều chỉ tiêu mang tính định tính, đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự ưu ái của Hội đồng trong quá trình đánh giá và phân hạng.

* Một số địa phương cho rằng, việc chất lượng tư vấn chương trình OCOP chưa đồng đều, năng lực một số đơn vị tư vấn còn yếu đang là “điểm nghẽn” khiến việc phát triển các sản phẩm OCOP chưa được như kỳ vọng. Ông lý giải như thế nào về ý kiến này?

- Phát triển mạng lưới tư vấn Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ của chương trình trong giai đoạn 2018-2020, ngay từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Bộ tài liệu tập huấn về OCOP để làm cơ sở tổ chức đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân và địa phương về triển khai Chương trình OCOP.

Đến năm 2020, Bộ lại tiếp tục ban hành Bộ tài liệu về những kiến thức cơ bản về Chương trình OCOP làm nền tảng và cơ sở cho 4 đối tượng triển khai Chương trình; trong đó có đối tượng tư vấn OCOP. Có thể nói rằng việc đào tạo và xây dựng đội ngũ tư vấn đã được Bộ rất quan tâm và tổ chức triển khai bài bản trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng xuất phát từ việc đây là một chương trình mới, lĩnh vực đa dạng, đặc biệt là những nguyên tắc và yêu cầu của chương trình đòi hỏi ở mức độ cao, đặc biệt là năng lực hỗ trợ về tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị. Do đó không phải đơn vị, cá nhân tư vấn nào cũng hội tụ đủ năng lực để tư vấn toàn diện cho các địa phương, chủ thể triển khai chương trình.

Mặc dù sau hơn 2 năm, cả nước có khoảng 24 tổ chức tham gia tư vấn Chương trình OCOP, nhưng chất lượng các đơn vị tư vấn chưa đồng đều, chưa toàn diện, đặc biệt là khả năng bám sát thực tế, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị OCOP. Mặc dù đây cũng là một khó khăn, tồn tại trong triển khai chương trình, nhưng nếu nói là “điểm nghẽn” thì cũng chưa hợp lý và công tâm.

Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, việc nâng cao chất lượng, xây dựng và quản lý mạng lưới tư vấn sẽ cần được quan tâm và có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Mạng lưới tư vấn không chỉ mang ý nghĩa về hỗ trợ, mà còn là cơ sở, động lực để thúc đẩy sự sáng tạo, năng lực của chủ thể và chất lượng của sản phẩm OCOP.

* Để giải quyết những bất cập của giai đoạn 2018-2020, đồng thời hoàn thành mục tiêu của giai đoạn tới, cần có những giải pháp cũng như hành động cụ thể nào, thưa ông?

- Trước hết về định hướng, cần phải xác định rất rõ, Chương trình OCOP là một Chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, mang tính dài hạn, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chương trình OCOP sẽ tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh, lợi thế và đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, truyền thống. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ, đổi mới, sáng tạo để thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP đặc sắc và có giá trị cao.

Ngoài những giải pháp trọng tâm trong phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực của các chủ thể và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chương trình còn tập trung triển khai những giải pháp khác, như: Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, các chủ thể, đặc biệt là nâng cao năng lực mạng lưới tư vấn OCOP để hỗ trợ các địa phương, chủ thể triển khai hiệu quả chương trình theo đúng quan điểm, định hướng.

Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP, gắn với khởi nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò của các Trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP ở các vùng, tạo động lực để kết nối và thúc đẩy giữa các vùng, địa phương và khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch.

Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và thương mại sản phẩm OCOP. Trong đó, hướng đến xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển các hình thức thương mại sản phẩm OCOP; trong đó có thương mại điện tử.

Ngoài ra, xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam, để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, mang những giá trị về văn hóa và bản sắc của Việt Nam, các vùng miền và địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Trần Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm