Từ một địa phương là tỉnh Quảng Ninh phát kiến đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP) và nhân rộng Chương trình ra cả nước. Hiệu quả của Chương trình trong 3 năm thực hiện đã được các phương tiện truyền thông, các địa phương ca ngợi. Tuy nhiên, phía sau những thành công cũng đang bộc lộ những điểm nghẽn từ chính các địa phương - nơi triển khai chương trình. Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm bài "Chương trình OCOP: Điểm nghẽn từ chính sách đến cuộc sống" nhằm đem đến cho độc giả một góc nhìn khác về chương trình này cũng như các đề xuất, giải pháp cho chương trình giai đoạn tới.
Bài 2- Nghẽn từ nhận thức đến tiêu chí
“Chỉ nuôi rồi bán thương phẩm cũng đã có lãi, thu tiền ngay. Nếu tham gia sản phẩm OCOP thì sẽ gặp phải thủ tục rườm rà, bao bì, kiểm định chất lượng, sản phẩm chế biến sau đó cũng chưa biết có bán được hay không, biết bao giờ thu lại được”, ông Nguyễn Quyết Chiến, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những hộ đang nuôi rắn ở địa phương cho biết khi dẫn chúng tôi đi thăm các hộ nuôi trong xã. Ở đây, không chỉ ông Chiến mà nhiều chủ thể chưa mặn mà đến với Chương trình OCOP bởi nhiều trở ngại từ chính người dân, từ đặc thù của sản phẩm, sự hiểu biết về chương trình cũng như những bất cập trong quá trình triển khai.
Quá nhiều trở ngại
Xã Vĩnh Sơn với hơn 1.000 hộ dân thì có khoảng 700 hộ nuôi rắn từ hàng chục năm nay. Hàng năm xã Vĩnh Sơn cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rắn thương phẩm và thêm một số sản phẩm như cao, nọc… Có thể sản xuất số lượng lớn, không lo về nguyên liệu, thậm chí sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên cả nước khi đã được cấp phép nuôi của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quyết Chiến và một số hộ đã từng nghĩ đến các món ăn từ rắn được chế biến sẵn, người tiêu dùng chỉ việc chế biến lại nhưng việc này đành bỏ ngỏ vì không có đơn vị kiểm định chất lượng, y tế, dịch tễ…
“Với những người nuôi đôi khi họ cũng muốn hướng đến cái tốt hơn nhưng với nhiều rào cản, suy nghĩ đó có vẻ “viển vông” bởi không biết bao giờ cơ quan chức năng công nhận rồi sản phẩm sẽ bán thế nào trong khi bán tươi, tiền có ngay, không phải lo nghĩ gì”, ông Nguyễn Quyết Chiến cho hay.
Ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, sản phẩm từ rắn chưa có cơ quan thẩm định chất lượng vì sản phẩm có đặc thù riêng liên quan đến sức khỏe. Bên cạnh đó, sản phẩm cao rắn, có tính chuyên môn cao, mỗi người có kinh nghiệm riêng và họ muốn giữ nghề của mình và không muốn truyền nghề ra ngoài nên khó thành lập được hợp tác xã để tạo ra sản phẩm có tính cộng đồng.
Còn tại làng mộc Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, hầu như mọi người đều chưa biết về sản phẩm OCOP. Ông Trương Văn Đại, thôn Bích Chu, xã An Tường là chủ cơ sở mộc cho biết, ông làm nghề này bởi đây là nghề “cha truyền con nối”. Tuy rất mong muốn tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm nhưng đến nay ông cũng chưa nắm bắt được, chưa hiểu được OCOP có giá trị như thế nào, sẽ mang lại lợi ích gì với nghề mộc. Làng nghề có tiếng lâu đời nhưng không có mặt bằng sản xuất kinh doanh, các cơ sở chủ yếu là đi thuê từng năm một.
Nhận thấy xã An Tường có thế mạnh truyền thống là sản phẩm mộc có thể tham gia sản phẩm OCOP nhưng bà Đàm Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã mới chỉ ở bước 1 (bước đầu tiên trong 6 bước xây dựng sản phẩm OCOP) là tuyên truyền trên các hệ thống truyền thanh cũng như lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị.
Ngược lại, dù đã được nghe tuyền truyền và hiểu về sản phẩm OCOP, nhưng ông Lương Xuân Hưng, chủ Cơ sở sản xuất kinh doanh trang trại sinh thái Hưng Thịnh, tại Đắk Lắk đang sản xuất và chế biến cà phê đặc sản cũng chưa mặn mà đến với OCOP. Bởi theo ông Hưng sẽ phải mất thời gian và chi phí đầu tư cho sản phẩm này. Sản phẩm phải thiết kế lại nhãn mác, bao bì…. và như vậy sẽ tăng thêm chi phí để hoàn thiện các tiêu chí.
Cá nhân ông Hưng còn cho rằng, khi làm sản phẩm OCOP chi phí sẽ cao hơn, như vậy giá sản phẩm sẽ tăng và điều này sẽ đặt ra một bài toán kinh doanh trong việc cạnh tranh sản phẩm với các đơn vị khác. Bởi người tiêu dùng đôi khi vẫn chưa chấp nhận được mức giá cao hơn mức giá trung bình với sản phẩm cùng loại.
Vướng các tiêu chí chấm điểm
Một trong những yêu cầu quan trọng đạt OCOP là đáp ứng bộ tiêu chí chấm điểm sản phẩm này. Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP bộ tiêu chí được xây dựng khá toàn diện từ chất lượng, tiếp thị, tổ chức sản xuất, sức mạnh cộng đồng… với những thang điểm chuẩn, cụ thể. Nhưng cũng chính điều này đang gây khó cho nhiều chủ thể, nhiều sản phẩm đến với OCOP. Thậm chí có chủ thể đã tìm kiếm thêm điểm bằng cách “lách” các tiêu chí.
Là doanh nghiệp chăn nuôi và kinh doanh, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại rắn Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá, với sản phẩm rắn đặc thù, để đáp ứng các tiêu chí OCOP như: doanh số bán hàng, mạng lưới tiêu thụ sẽ rất khó khăn. Bởi đây là sản phẩm đông y, sản phẩm sức khỏe nên khó bán rộng rãi, thương mại như các sản phẩm nông nghiệp khác, nên tiêu chí doanh số bán hàng hay việc có những khách hàng vệ tinh sẽ không thể đạt được.
Về tiêu chí chấm điểm chất lượng, ông Lương Xuân Hưng cũng cho rằng, sản phẩm của ông đã được đánh giá, chứng nhận là cà phê đặc sản bởi các chuyên gia chuyên ngành. Nhưng tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP chưa có điểm vượt trội. Các sản phẩm chỉ cần đủ điểm từ các tiêu chí khác đã có thể đủ để sản phẩm đạt 3 hay 4 sao.
Bên cạnh đó, khi đánh giá, chấm điểm, tùy từng địa phương sẽ có nhiều hay ít sản phẩm được đánh giá, có khi lên tới hàng chục, hàng trăm sản phẩm ở các lĩnh vực khác nhau. Như vậy, hội đồng đánh giá sẽ phải đa lĩnh vực, mà thiếu đi sự chuyên ngành trong đánh giá về chất lượng sản phẩm.
Ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Khánh Hòa cũng cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm còn nhiều điểm chưa phù hợp với một số sản phẩm của các địa phương. Một số nội dung phân công hướng dẫn thuộc các lĩnh vực chuyên ngành của các sở, ban, ngành trong bộ tiêu chí còn chưa cụ thể, nhất là đối với các sản phẩm thuộc bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ trang trí và thủ công mỹ nghệ gia dụng, điển hình là đối với sản phẩm có chất liệu trầm hương – một sản phẩm đặc hữu, có thương hiệu của Khánh Hòa.
Cũng liên quan về chất lượng, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, trong bộ thang điểm OCOP thì điểm chất lượng chỉ có 40 điểm. Với sản phẩm đạt 3 sao không có quy định rõ là chất lượng phải đạt bao nhiêu điểm nên về chất lượng có thể chỉ đạt 5-10 điểm và cộng với điểm số khác thì vẫn có thể đạt.
Theo ông Trần Huy Oánh, chương trình chưa đồng bộ hệ thống tổ chức nên cần làm thế nào để cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, với bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp. Chương trình OCOP là chương trình tổng thể với nhiều sản phẩm đa ngành mà nội dung yêu cầu không chỉ là sản xuất mà quan trọng là chế biến, tiêu thụ, khoa học cộng nghệ… nên cần có bộ máy chuyên biệt.
Tuy đã được các cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc hoàn thiện hồ sơ khi đăng ký tham gia sản phẩm OCOP, nhưng từ quá trình thực hiện bà Nguyễn Thị Lê- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Curcumin Bắc Hà chỉ ra, do mới triển khai nên các thủ tục pháp lý vẫn rườm rà, chưa cụ thể. Các chủ thể làm OCOP phải làm đi làm lại. “Nhiều chủ thể hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện về hồ sơ tốt nhưng việc các hướng dẫn chưa rõ ràng, thậm chí còn thay đổi liên tục nên các chủ thể “chạy theo” rất mất thời gian, công sức”, bà Nguyễn Thi Lê cho biết.
Bà Nguyễn Thị Lê bổ sung chương trình chưa có sự nhìn nhận, phân định rõ ràng chất lượng những sản phẩm mang tính công nghệ cao. Điển hình như doanh nghiệp đã được công nhận kiểm soát chất lượng sản xuất dược phẩm (GMP), tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm) nhưng khi chấm điểm thì không được nhiều điểm ưu tiên. (Còn tiếp)
Hoàng Tùng - Bích Hồng