Làng nghề miến dong Cẩm Bình "chạy đua" với đơn hàng Tết

Phơi miến tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Phơi miến tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, làng nghề làm miến dong truyền thống xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Hơn 150 hộ làm miến dong tại đây đang gấp rút huy động nhân lực chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Là một hộ gia đình có truyền thống làm miến dong lâu đời, những ngày giáp Tết, gia đình chị Phạm Phương Triển (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy) đang huy động toàn bộ nhân công làm ngày làm đêm để kịp đơn hàng Tết. Thời điểm 2 tháng giáp Tết, gia đình chị Triển phải thuê khoảng 5-7 lao động để cắt miến, phơi miến, đóng gói và vận chuyển miến đến các cơ sở tiêu thụ. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng miến làm đến đâu là hết đến đó, vì thế từ đầu tháng 12 âm lịch, gia đình chị Triển đã phải dừng nhận các đơn hàng mới vì không đủ sức để làm.

Làng nghề miến dong Cẩm Bình "chạy đua" với đơn hàng Tết ảnh 1Củ dong riềng được rửa sạch sau đó cho vào máy nghiền để lấy được thành phần hỗn hợp bao gồm bã, nước tinh bột củ dong. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Chị Phạm Phương Triển cho biết, trước đây gia đình chị cũng như bà con trong xã thường chỉ làm 3 tháng giáp Tết nhưng những năm lại đây do nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng nên làm nghề quanh năm. Từ năm 2020, gia đình chị tham gia vào Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất miến dong Đồi Ao thì khách hàng từ các tỉnh ngoài như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… liên hệ đặt hàng càng nhiều. Gia đình chị có 3 lao động chính; trong đó, chị đảm nhiệm khâu quan trọng nhất là khâu tráng bánh vì nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của người làm nghề để bánh chín đều, mỏng có như vậy mới cho ra những sợi miến đều, đẹp, dẻo, dai.

Làng nghề miến dong Cẩm Bình "chạy đua" với đơn hàng Tết ảnh 2Bột dong riềng sau khi được pha chế theo tỷ lệ thích hợp được cho vào nồi để tráng thành bánh. Ảnh: Hoa Mai - TTVXN

Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Đức Phượng (thôn Sẻ, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy) cũng đang tất bật với các đơn hàng Tết. Để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên Đán, từ đầu tháng 9 âm lịch, gia đình ông Phượng cũng như các hộ khác đã phải chuẩn bị sẵn nguyên liệu là củ dong riềng, bột dong riềng, chỗ phơi, người làm... để tăng sản lượng.

Làng nghề miến dong Cẩm Bình "chạy đua" với đơn hàng Tết ảnh 3Khâu tráng bánh là khâu quan trọng nhất vì nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của người làm nghề để bánh chín đều, mỏng, để cho ra những sợi miến đều, đẹp, dẻo, dai. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Ông Nguyễn Đức Phượng cho biết, nghề làm miến dong đã có từ nhiều đời nay, cứ thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác. Mỗi nhà sẽ có những bí kíp riêng nhưng cơ bản để tạo thành tinh bột, củ dong được sơ chế, rửa sạch nhiều lần, nghiền, lắng lọc 3-5 lần, phơi bột dưới nắng to để hết mùi chua và bảo quản lâu dài. Khi làm miến, bột dong tiếp tục được ngâm và thau rửa lại để loại bỏ những tạp chất. Sau đó, người làm miến trộn bột sống, bột chín theo tỷ lệ thích hợp, tiếp đến sẽ là công đoạn tráng bánh, phơi bánh, cắt sợi và phơi miến trên các dàn phên bằng tre nứa dưới ánh nắng, gió tự nhiên.

Chị Đỗ Thị Nga, Thành phố Thanh Hóa khẳng định: "Gia đình tôi sử dụng miến dong Cẩm Bình quanh năm. Vào mỗi dịp Tết nguyên đán hàng năm, trong các thức quà biếu bà con, anh em bạn bè của gia đình tôi cũng không thể thiếu gói miến dong. 2 năm nay, gia đình tôi rất tin tưởng vào sản phẩm miến dong Đồi Ao với độ giòn, dai vừa phải, ăn không hết nấu lại lần sau sợi miến vẫn còn dai, không bị nát, vữa”.

Làng nghề miến dong Cẩm Bình "chạy đua" với đơn hàng Tết ảnh 4Miến dong Cẩm Bình được phơi trên các dàn phên bằng tre nứa dưới ánh nắng, gió tự nhiên. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Năm 2020, UBND xã Cẩm Bình đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất miến dong Đồi Ao để liên kết các hộ trong xã; đồng thời, tập trung phát triển, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm miến dong truyền thống của địa phương bằng việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, chú trọng quảng bá sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Hiện, Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất miến dong Đồi Ao đã thực hiện tốt các khâu từ trồng đến chế biến gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với người tiêu dùng. Sản phẩm được sản xuất từ 100% tinh bột dong riềng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong bất cứ khâu sản xuất nào. Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặc biệt chú ý từ khâu chọn nguyên liệu đến thành phẩm đóng gói đem đi tiêu thụ.

Làng nghề miến dong Cẩm Bình "chạy đua" với đơn hàng Tết ảnh 5Phơi miến tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Ông Phạm Ngọc Thước, Phó Giám đốc Hợp tác xã Miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy khẳng định: “Hiện hợp tác xã có 7 thành viên với hơn 30 lao động địa phương tham gia sản xuất. Với nhiều nỗ lực, cuối năm 2021, sản phẩm miến dong Đồi Ao của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong năm 2021, hợp tác xã đã sản xuất gần 150 tấn miến dong xuất bán ra thị trường, doanh thu ước đạt trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức thu nhập 6-10 triệu đồng/người/tháng. Trong dịp tết nguyên đán 2022 này, hợp tác xã đặt mục tiêu sản xuất 15 tấn để xuất bán ra thị trường.”

Xã Cẩm Bình, hiện có 150 hộ làm miến dong; trong đó, có 50 hộ sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Hiện, các hộ làm miến đã chủ động đầu tư máy nghiền bột dong, bếp tráng điện nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm miến dong vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Những tháng giáp Tết, mỗi gia đình ở Cẩm Bình có thể thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Ngoài tiêu thụ nội tỉnh, miến dong xã Cẩm Bình đã và đang phát triển tại các thị trường tiềm năng như: Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Ông Phạm Minh Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa khẳng định, miến dong Cẩm Bình là sản phẩm truyền thống của địa phương và đang dần khẳng định thương hiệu và là một trong những sản phẩm nổi bật của huyện miền núi Cẩm Thủy. Huyện đã thành lập 2 hợp tác xã là Hợp tác xã Thuận Tâm và Đồi Ao, chuyên sản xuất miến dong, hiện 2 sản phẩm này đã đạt OCOP 3 sao của tỉnh.

Làng nghề miến dong Cẩm Bình "chạy đua" với đơn hàng Tết ảnh 6Các nhân công tất bật bó miến và đóng gói sản phẩm cho kịp các đơn hàng cuối năm. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Các hộ làm miến dong đều có ý thức giữ uy tín, chất lượng sản phẩm của địa phương, không sử dụng các chất phụ gia độc hại, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, đầu ra của sản phẩm miến dong Cẩm Bình nói chung, miến dong của 2 hợp tác xã Thuận Tâm, Đồi Ao khá thuận lợi, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển mở rộng quy mô và chất lượng để sản phẩm miến dong của xã Cẩm Bình thực sự trở thành sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện và quanh vùng.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như duy trì chất lượng, thương hiệu, thời gian tới, huyện Cẩm Thủy sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây dong riềng; đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cũng như kiểm soát chặt chẽ đầu vào nhằm quản lý nhãn hiệu miến dong Cẩm Bình nói chung, miến dong Đồi Ao, Thuận Tâm ngày càng bền vững.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm