Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người ta tin rằng, đây là loại thuốc quý, là báu vật của đồng bào Mông từ bao đời nay…
Một ngày giữa thu, chúng tôi tới bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, gặp ông Giàng A Tếnh để được nghe kể chuyện về những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Đã 60 tuổi nhưng ông Giàng A Tếnh vẫn rất nhanh nhẹn dẫn chúng tôi ra đồi chè, vừa đi vừa tự hào cho biết: “Chè Suối Giàng không chỉ là những cây chè to mà điều làm nên huyền thoại Suối Giàng chính là tên gọi “Shan tuyết”. Shan là núi, tức là chè được nuôi dưỡng bằng tất cả tinh túy của trời đất, được ngậm tuyết của vùng non cao. Búp chè có lông tuyết nên gọi là chè tuyết”.
Theo số liệu của Ủy ban Nhân dân huyện Văn Chấn, Suối Giàng hiện có trên 500 ha chè Shan tuyết đang thu hái ổn định, trong đó có hơn 300 ha là những cây chè trên 100 năm tuổi với năng suất khoảng 620 tấn búp chè tươi/năm, giúp đồng bào có thu nhập từ 12 - 15 tỷ đồng/năm. Cây chè cổ nhất Suối Giàng có tuổi thọ trên 400 năm, được gọi là cây chè tổ. Cùng với đó là quần thể 400 gốc chè cổ trên 100 năm tuổi, mọc tập trung ở 4 thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cán và Bản Mới, đang được hàng trăm hộ dân quản lý, chăm sóc, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2016.
Để nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết, Suối Giàng đã chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP từ chè. Xã cũng đẩy mạnh đầu tư nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là đối với những điểm du lịch cộng đồng, hoạt động kinh doanh dịch vụ và trải nghiệm, thưởng trà, khám phá văn hóa địa phương. Vừa qua, huyện Văn Chấn đã tổ chức Lễ hội chè Shan tuyết năm 2023, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh chè Shan tuyết đến du khách gần xa, kích cầu phát triển du lịch, kinh tế địa phương.
Xã Suối Giàng có 400 gốc chè cổ trên 100 năm tuổi, mọc tập trung ở 4 thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cán và Bản Mới, đang được hàng trăm hộ dân quản lý, chăm sóc. Ảnh: Tuấn Anh
Ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Suối Giàng cho biết: “Thời gian tới, chủ trương của xã cũng như huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục quản lý, bảo tồn những vùng chè Shan tuyết hiện có, đồng thời khuyến khích đồng bào trồng mới diện tích chè. Đồng bào cần quan tâm chăm sóc thật tốt để cây chè sinh trưởng, phát triển, cho sản lượng và chất lượng tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao đời sống”.
Tuấn Anh