Những cây chè cổ thụ của Lào Cai nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, có đường kính từ 20 - 40 cm; rêu phong bao phủ, mọc dưới tán rừng tự nhiên với giá bán lên tới hàng triệu đồng/kg thành phẩm đang thực sự được coi là báu vật địa phương cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Tiềm năng bị bỏ ngỏ
Chè là cây công nghiệp dài ngày, trồng một lần có thể thu hoạch từ 50 - 70 năm, thậm chí hàng trăm năm. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tỉnh Lào Cai đã dần hình thành vùng sản xuất chè tập trung tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng và Bảo Yên… Tuy nhiên, trong quá trình đó, những vùng chè cổ thụ và chè trồng lâu năm của địa phương lại vô tình bị bỏ ngỏ dù giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại chè thông thường.
Được thiên nhiên ưu đãi, Lào Cai hiện vẫn còn giữ được nhiều vùng chè cổ thụ. Thế nhưng, thời gian trước đây, diện tích những vùng chè cổ thụ và lâu năm tại các xã Tả Thàng (huyện Mường Khương), xã Hoàng Thu Phố, Bản Liền (huyện Bắc Hà), xã Dền Sáng, Dền Thàng (huyện Bát Xát)... dần bị thu hẹp.
Có nhiều nguyên nhân như giá thị trường thu mua chè búp tươi bấp bênh, chè không được giá nên nhiều gia đình chặt bỏ chuyển đổi trồng cây khác. Thậm chí, có gia đình còn chặt cây chè cổ thụ để xẻ ván làm nhà, chặt chè làm củi đun.
Cũng có khoảng thời gian, nhiều người có thú săn lùng cây chè cổ thụ về làm cảnh tại các trang trại, nhà vườn, khiến cho những rừng chè cổ thụ ở vùng cao Lào Cai vơi dần. Hơn nữa, những năm chưa xảy ra dịch COVID-19, bà con các địa phương này có xu hướng làm ăn xa, vì vậy, người dân không mấy mặn mà với cây chè.
Giá trị của vùng chè cổ thụ ở Lào Cai được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chè của Việt Nam đánh giá có chất lượng cao nhưng chưa biết khơi mở tiềm năng. Lý do là việc bảo tồn còn chưa được chú trọng, công nghệ chế biến còn lạc hậu; chưa có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến chè công nghệ cao, tạo ra nhiều thành phẩm từ chè mà chỉ là các cơ sở sao sấy nhỏ lẻ, sản phẩm thô sơ, chủ yếu là chè xanh, bao bì, nhãn mác sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu rộng lớn của thị trường.
Hơn nữa, dù cây chè có mặt tại khu vực các xã từ lâu, năng suất và chất lượng khá tốt song việc sản xuất còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún vì vậy sản phẩm làm ra chưa mang tính hàng hóa, chưa phát huy được thế mạnh chè chất lượng cao.
Huyện Bát Xát cũng là một trong những vùng trọng điểm chè của tỉnh Lào Cai. Ngoài 244 ha chè tập trung, huyện có trên 26 ha diện tích chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi tập trung tại xã Dền Sáng, A Mú Sung và một số diện tích phân tán tại xã Nậm Pung, A Lù, Dền Thàng, Y Tý, Sàng Ma Sáo. Chè cổ thụ ở Bát Xát chủ yếu mọc ở độ cao từ 2.200-2.500m và có 2 loại chè cổ thụ chính là chè búp đỏ, chè Shan tuyết.
Trong số đó, xã Dền Sáng có diện tích đồi chè cổ thụ rộng khoảng 5 ha. Các cây chè cổ thụ tập trung ở thôn Ngải Trồ, khu vực có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, phong cảnh hùng vĩ rất phù hợp cho phát triển du lịch trải nghiệm.
Do đặc thù vùng khí hậu và chất đất đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng của cây chè nơi đây. Tuy nhiên, nhân dân khai thác, chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, nên năng suất chưa cao, chất lượng chè không đồng đều.
Tương tự, xã A Mú Sung hiện có 21,5 ha diện tích cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị những cây chè cổ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa được người dân chăm sóc, đốn tỉa đúng cách dẫn đến năng suất, sản lượng chè không phản ánh đúng như diện tích hiện có.
Phát huy giá trị
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, Lào Cai hiện còn trên 1.000 cây chè cổ thụ tại 4 huyện Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai. Trước thực trạng cây chè cổ thụ chưa được chú trọng phát huy hết giá trị, một số địa phương của Lào Cai đã bắt đầu để ý đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của những vùng chè cổ thụ này.
Địa phương đầu tiên xác định cây chè là cây trồng chủ lực trong kinh tế nông nghiệp nông thôn là huyện Mường Khương. Mường Khương đã mời các chuyên gia về chè trong và ngoài nước, “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp chế biến chè của Việt Nam đến đầu tư và phát huy giá trị của cây chè cổ thụ tại địa phương.
Hiện tại, đã có 2 công ty chế biến liên kết cùng với chính quyền xã Tả Thàng, bà con trồng chè để hướng dẫn người dân bảo vệ, chăm sóc, thu hái và chế biến sâu sản phẩm chè cổ thụ như: Công ty Tiên Thiên Trà, Công ty Chè Mường Hoa (xã Cao Sơn) đầu tư trồng chè Bát tiên để sản xuất trà Ô long, Công ty cổ phần Trà Cao Sơn trồng trà Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng... Toàn bộ sản lượng được thu mua với mức giá trung bình khoảng 32.000 đồng/kg chè búp tươi, cao hơn nhiều so với mức giá 8.000 - 9.000 đồng/kg búp tươi trước kia nên người dân rất phấn khởi, quan tâm chăm sóc cây chè.
Tả Thàng có hơn 10ha chè cổ thụ đã được chính quyền địa phương và người dân chung tay bảo vệ, chăm sóc và quản lý chặt chẽ. Chè cổ thụ Tả Thàng được người dân chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì, tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và hút chất dinh dưỡng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết, địa phương đã và đang thực hiện bảo tồn để phát huy lợi thế cạnh tranh từ sản phẩm chè cổ thụ ở 4 thôn của xã vùng cao Tả Thàng.
Bát Xát cũng là một trong những địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, chăm sóc thật tốt diện tích chè hiện có. Bí thư Huyện ủy Bát Xát Nguyễn Trung Triều khẳng định, những cây chè Shan cổ thụ thực sự là báu vật của địa phương, là sản phẩm đặc sản riêng có và là tiềm năng, thế mạnh rất lớn của huyện Bát Xát.
Địa phương đang phát triển và phục tráng giống chè cổ trên địa bàn để nâng cao giá trị vùng trồng chè; quảng bá, giới thiệu sản phẩm để chè để ngày càng có nhiều người biết đến và tin dùng, tạo thị trường tiêu thụ ổn định để giúp đồng bào ở đây có thu nhập cao hơn từ cây chè cổ thụ.
Điển hình, để bảo tồn và phát triển chè cổ thụ tại thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung, tiến tới xây dựng thương hiệu chè cổ thụ, huyện Bát Xát đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, nghiên cứu thực địa, xây dựng dự án hỗ trợ cải tạo toàn bộ diện tích chè cổ thụ hiện có tại thôn.
Hiện nay, chè cổ thụ đang được 77 hộ trong thôn chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái.
Xã A Mú Sung đang phối hợp với ngành chức năng để hỗ trợ nhân dân phát triển trồng mới diện tích chè, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, chăm sóc chè; cải tạo bằng phương pháp, cắt tỉa cành già, cành vượt để tạo tán và bón phân góp phần tăng năng suất, sản lượng chè.
Ông Hoàng Kin Siểu, thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung phấn khởi cho biết, hiện, chè cổ thụ Shan tuyết ở xã A Mú Sung sau khi sao khô được bán ra thị trường với giá trung bình từ 300.000 - 500.000 đồng/kg, loại hảo hạng lên tới cả triệu đồng.
Diện tích chè cổ thụ và chè trồng lâu năm đang được tỉnh Lào Cai quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ phát huy được giá trị của những cây chè quý để nâng cao thu nhập cho người dân nơi rẻo cao Lào Cai.
Hương Thu