Lào Cai hướng tới sản xuất nông nghiệp không hóa chất

Lào Cai hướng tới sản xuất nông nghiệp không hóa chất

Hướng tới ngành nông nghiệp phát triển bền vững, nói không với hóa chất, trong những năm qua, Lào Cai đã và đang từng bước thực hiện có hiệu quả các phương thức và mô hình sản xuất hữu cơ trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Hàng nghìn ha chè, quế... hữu cơ tại Lào Cai không chỉ giúp phát huy tối đa lợi thế về địa hình, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất và canh tác của đồng bào các dân tộc Lào Cai mà còn đem lại nguồn thu lớn góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

Lào Cai hướng tới sản xuất nông nghiệp không hóa chất ảnh 1Chè Bản Liền được trồng hoàn toàn tự nhiên nên trung bình mỗi tháng người dân chỉ thu hái một lần đảm bảo 25 tiêu chuẩn chè hữu cơ quốc tế. Ảnh: TTXVN

Nguồn lợi lớn từ nông nghiệp hữu cơ

Chè hữu cơ của Hợp tác xã chè Bản Liền (Bắc Hà) có thể coi là mô hình đầu tiên đánh dấu mốc phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lào Cai với hơn 400 ha được công nhận của 310 hộ nông dân tham gia liên kết, sản xuất. Gia đình ông Vàng A Dựng, thành viên của hợp tác xã có 15 ha chè thuần chủng giống Tuyết San. Do chăm bón tốt theo tiêu chuẩn hữu cơ của hợp tác xã, thu hoạch đúng kỹ thuật, hằng năm gia đình ông thu được khoảng từ 300 đến 400 triệu đồng. Từ đó, ông Dựng còn hỗ trợ bà con giống cây, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ khác.

Giám đốc Hợp tác xã Phạm Quang Thận cho biết, sản phẩm chè Bản Liền đã có tên trên “bản đồ” chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định chất lượng từ Hoa Kỳ và EU. Trung bình mỗi năm, người dân Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường nội tiêu trong nước gần 1.000 tấn chè búp tươi, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ha chè của hợp tác xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.

Để khai thác hết tiềm năng sẵn có của cây chè, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai xây dựng "Mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2020-2022" với quy mô 20 ha/70 hộ tham gia. Dự án triển khai thực hiện tại xã Bản Liền và Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà.

Qua 2 năm (2020-2021) triển khai, theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, mô hình đã mang lại những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận. 100% các nương chè được sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học, thuốc thảo mộc thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Nông dân làm cỏ thủ công không sử dụng thuốc trừ cỏ. Toàn bộ diện tích chè sinh trưởng tốt, cho thu hoạch 7-8 lứa (cả lứa chính và lứa phụ), năng suất bình quân đạt từ 4 – 4,2 tấn búp tươi/ha.

Mặc dù năng suất chè hữu cơ giảm 1,5 -2 lần so với chè sản xuất thông thường, nhưng do là sản phẩm chè hữu cơ nên giá bán tăng gấp 2,5-3 lần so với chè thông thường vì vậy giá trị thu nhập của nông dân tăng trên 30%; chất lượng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Ngoài chè, một sản phẩm chủ lực khác mang lại thu nhập cao cho nông dân Lào Cai nhiều năm qua cũng được chứng nhận hữu cơ là quế. Nậm Đét là thủ phủ quế của Bắc Hà với trên 1.300ha quế hữu cơ. Trung bình cứ 1 ha quế, nhân dân thu trên hơn 1 tỷ đồng. Hiện Nậm Đét đang quy hoạch thêm 150 ha đất để nông dân tiếp mở rộng diện tích trồng quế, nâng diện tích lên 2.000 ha vào năm 2025. Gia đình ông Đặng A Nhẩy ở thôn Bản Lắp có 8ha quế, mỗi năm thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên.

Ông cho biết, hiện nay người dân trồng quế ở Nậm Đét có xu hướng chuyển sang trồng quế hữu cơ vì không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, không dùng thuốc diệt cỏ mà phát nương, làm cỏ theo cách làm truyền thống. Khi thu hoạch, phơi quế phải để nơi thoáng đãng, sạch sẽ trên nền trải bạt. Ngoài ra, lý do nông dân Nậm Đét thích trồng quế hữu cơ hơn bởi giá thu mua quế hữu cơ cao hơn sản phẩm cùng loại khác.

Hiện nay, Lào Cai có hơn 3.600 ha quế được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế góp phần đưa Lào Cai trở thành một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất cả nước.

Hướng tới sản xuất nông nghiệp không hóa chất

Theo ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới; tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 2 hiệp định thế hệ mới: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) với các ưu đãi về thuế. Có rất nhiều thách thức mà các doanh nghiệp phải vượt qua khi tham gia vào sân chơi lớn đó là phải đảm bảo tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, kiểm soát gian lận thương mại, sản phẩm sản xuất phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế….

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, tín hiệu đáng mừng là trong vài năm trở lại đây, tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất cấm trong nông sản tại Lào Cai đã được kiểm soát. Kết quả này là tiền đề quan trọng cho nông sản của địa phương khi tham gia vào các hiệp định này.

Đặc biệt, một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: chè, quế, dược liệu được sản xuất hữu cơ... đã nhiều năm có mặt ổn định trên thị trường châu Âu khi tham gia EVFTA với việc cắt giảm thuế của EU có rất nhiều cơ hội để phát triển và mang lại kinh nghiệm quý báu cho các nông sản chủ lực khác của tỉnh khi tham gia thị trường này

Do đó, nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, thích ứng biến đổi khí hậu, Lào Cai đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu đến năm 2025 diện tích đạt từ 1,5% đến 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp của tỉnh. Lào Cai phấn đấu có diện tích trồng trọt hữu cơ quy mô 4.273 ha.

Theo ông Lương Quang Thạch, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, năm 2022, trên cơ sở kết quả đã đạt được từ "Mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2020-2022", Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện Bắc Hà và UBND các xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ hướng dẫn nông dân duy trì và nhân rộng diện tích sản xuất chè hữu cơ; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm chè hữu cơ tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, trong lộ trình tìm kiếm giải pháp thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học, góp phần thiết thực trong công cuộc chuyển đổi phương thức canh tác từ hóa chất truyền thống sang sản xuất không hóa chất và sản xuất hữu cơ của địa phương, mới đây nhất, tháng 10/2021, Công ty cổ phần EMI Nhật Bản đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai về đề nghị xây dựng trình diễn 2 mô hình sản xuất không hóa chất 1 mô hình trên cây chè (1ha) và 1 mô hình trên cây quế (1ha). Theo đó, Sở Nông nghiệp giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm đầu mối phối hợp với Công ty lựa chọn địa điểm đặt mô hình.

Ngày 14/02/2022 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất không hóa chất tại thôn Bản Nhàm, xã Xuân Hòa (mô hình chè) và Bản Khuổi Vèng, xã Vĩnh Yên (mô hình quế) bằng các ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ an toàn nhằm lựa chọn giải pháp thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học trong quá trình sản xuất các mô hình trên được kỳ vọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng...

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm