Tỉnh Hòa Bình hiện có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị các sản phẩm sản xuất từ nông sản bằng các chương trình liên kết hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chế biến sâu. Qua đó, giúp đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến mục tiêu có 5 sản phẩm đạt 5 sao theo tiêu chuẩn OCOP.
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của vùng núi cao đặc thù, các sản phẩm nông sản tỉnh Hòa Bình đang từng bước khẳng định được ưu thế, chất lượng trên các thị trường tiêu thụ. Hiện, tỉnh có 18 sản phẩm đạt 4 sao, 52 sản phẩm đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Đây đều là những nông sản thế mạnh của tỉnh như: gà ri Lạc Thủy, các sản phẩm từ cá sông Đà, sản phẩm nước cam tươi lên men, cam quà tặng cao cấp của Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong, chuối Viba, thổ cẩm dệt tay của người Thái Mai Châu…
Các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình đã xuất hiện trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Big C, Vinmart, Qmart, Coop Mark, Lotte, Fivimart... và trên các chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines.
Nhằm tăng hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh Hòa Bình đã và đang đẩy mạnh liên kết sản xuất; nghiên cứu ra các dòng sản phẩm chế biến chất lượng cao. Từ đó, đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Các sản phẩm từ cam là một trong những thương hiệu nông sản chất lượng tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình đang được Hợp tác xã Hà Phong chế biến và sản xuất. Hiện nay, với 100% diện tích cam sản xuất và thu hoạch đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch đều tuân thủ các quy định kỹ thuật nghiêm ngặt.
Hợp tác xã Hà Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong đã triển khai mô hình dây chuyền chế biến các sản phẩm từ cam tươi hữu cơ. Chuỗi các sản phẩm chế biến từ cam có 8 loại gồm: nước cốt cam, mứt cam, nước cam tươi lên men, tinh dầu cam, mứt vỏ cam, rượu cam, rượu men cam được sản xuất dựa trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, khử trùng cao đã được người tiêu dùng đánh giá cao về nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, hai sản phẩm cam quà tặng cao cấp và nước cam tươi lên men được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019 cấp tỉnh.
Ông Lê Văn Cương - Giám đốc Hợp tác xã Hà Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong cho biết, các sản phẩm từ cam Cao Phong của hợp tác xã được sản xuất từ dây chuyền tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp các sản phẩm của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020.
Đến nay, hợp tác xã đã chế biến và đưa ra thị trường được nhiều sản phẩm đa dạng, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm chế biến từ cam của hợp tác xã đã được đưa vào bán tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ trên thị trường các tỉnh phía Bắc.
Các sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao khác như gà tươi nguyên con của Hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thủy; sản phẩm cá lăng đen sông Đà fillel và cá rô phi sông Đà fillel đóng túi hút chân không của Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh… đều áp dụng mô hình chăn thả tự nhiên với nguồn giống thuần chủng, khai thác đúng tuổi thương phẩm, đảm bảo các quy trình chăm sóc theo đúng kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP. Hai sản phẩm này nay đã có mặt tại các siêu thị phía Bắc, sản lượng bán sản phẩm gà tươi nguyên con của Hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thủy đạt 30.000 con/tháng.
Ông Bùi Đông Giang, Giám đốc Hợp tác xã gà Lạc Thủy, huyện Lạc Thủy chia sẻ, những năm qua, với mong muốn nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu gà ri Lạc Thủy, đơn vị đã hợp tác với các trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản, viện công nghệ thực phẩm để nghiên cứu và thực hiện chuyển giao công nghệ chế biến.
Đồng thời, Hợp tác xã gà Lạc Thủy đã mở rộng hệ thống chuồng trại, liên kết hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho khoảng 7.000 hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 5.000 - 7.000 con/hộ, có thu nhập khá ổn định, thu lãi hơn 40 triệu đồng/1.000 con gà.
Để nâng cao giá trị kinh tế từ các sản phẩm nông sản OCOP của địa phương, tỉnh Hòa Bình tập trung phát triển các vùng trồng, vùng nuôi theo các tiêu chuẩn VietGAP. Song song đó, các sở, ban,ngành của tỉnh phối hợp với các viện, cơ quan nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản nông sản sau thu hoạch; xây dựng dây chuyền sản xuất, hỗ trợ tối đa các cơ sở sản xuất.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho hay, việc đẩy mạnh phát nhiều loại hình sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh không chỉ góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản hiệu quả mà còn tạo ra sự đa dạng trong danh sách các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Từ đó, giúp sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, từng bước tìm kiếm thị trường xuất khẩu và nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân.
Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, UBND tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất cho các chủ thể, cũng như cán bộ thực hiện chương trình OCOP các cấp.
Tỉnh cũng tập trung phát triển sản phẩm OCOP chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số, mã vạch và nhãn hiệu hàng hoá...
Các sản phẩm sau khi đã được gắn sao chất lượng OCOP sẽ được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện sản phẩm làm bao bì, nhãn mác cũng như quảng bá tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trọng Đạt