Góp phần quảng bá sâu rộng sản phẩm truyền thống của dân tộc Dao

Thành viên HTX Thiên An tập trung sản xuất những sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Hoàng Giang-TTXVN
Thành viên HTX Thiên An tập trung sản xuất những sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Hoàng Giang-TTXVN

Những năm trở lại đây, chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, ngày càng xuất nhiều sản phẩm OCOP do các hợp tác xã, tổ hợp tác của địa phương sản xuất ra, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong đó, điển hình là Hợp tác xã Thiên An với nhiều sản phẩm OCOP là dược liệu và nông sản.

Chùng tôi có mặt tại trụ sở Hợp tác xã Thiên An ở thôn Nà Ít, xã Vi Hương (Bạch Thông), khi các thành viên trong hợp tác xã đang tập trung sản xuất những sản phẩm đặc trưng của người Dao. Từ ý tưởng kết hợp giữa văn hóa dược liệu và văn hóa thổ cẩm của người Dao, chị Lý Thị Quyên - Chủ tịch Hợp tác xã Thiên An đã sáng tạo ra sản phẩm gối thổ cẩm dược liệu, được ưa chuộng không chỉ tại thị trường Bắc Kạn.

Chị Quyên cho biết, Hợp tác xã Thiên An thành lập vào tháng 6/2015, với 7 thành viên, ban đầu chỉ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là làm chuối sấy nhưng không thể cạnh tranh được với các sản phẩm chuối sấy trên thị trường vì thiếu máy móc. "Tuy là một cộng đồng đoàn kết nhưng chúng tôi gặp khó khăn trong việc thương mại hóa sản phẩm. Chính vì vậy, nghề dệt thổ cẩm và làm dược liệu dần bị mai một. Tôi mong muốn có thể khôi phục những nghề truyền thống của người Dao", chị Quyên tâm sự.

Với suy nghĩ đó, năm 2018, Hợp tác xã Thiên An chuyển sang phát huy thế mạnh của dân tộc mình là văn hóa dược liệu và văn hóa thổ cẩm. Hợp tác xã Thiên An lúc này đã tạo ra các sản phẩm thuốc tắm người Dao cùng với sản phẩm gối thổ cẩm dược liệu. Với sự kết hợp này, hợp tác xã vừa có thể quảng bá sản phẩm, đồng thời quảng bá sâu rộng về văn hóa dân tộc Dao.

Góp phần quảng bá sâu rộng sản phẩm truyền thống của dân tộc Dao ảnh 1Thành viên HTX Thiên An tập trung sản xuất những sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Hoàng Giang-TTXVN

Nói về nguồn gốc ý tưởng kết hợp văn hóa dược liệu với văn hóa thổ cẩm để cho ra sản phẩm gối dược liệu, chị Quyên kể: Trong một lớp tập huấn về khởi nghiệp tại Bắc Kạn, các thầy cô trong lớp đã gợi ý về việc tạo ra sản phẩm trên cơ sở tài nguyên văn hóa bản địa. Vì loại tài nguyên này sẽ là đặc trưng chỉ có tại địa phương không đâu có được nên có thể giảm được sức ép từ sự cạnh tranh. Ý tưởng gối thổ cẩm dược liệu đã được hình thành từ đó.

Chị Quyên cho biết, tháng đầu tiên, hợp tác xã sản xuất được 400 sản phẩm cho các khách hàng Bắc - Trung - Nam trải nghiệm. Qua đó, hợp tác xã có được phản hồi từ người sử dụng cũng như giá cả mà khách hàng sẵn sàng bỏ ra để sở hữu sản phẩm đó. Các phản hồi về sản phẩm đều rất tích cực. Chị Quyên đã mang Dự án gối thổ cẩm dược liệu tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020 và sản phẩm đoạt giải Ba.

Tại nhà xưởng của Hợp tác xã, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi mẫu mã bắt mắt, độc đáo, từ chất liệu vải, họa tiết và mùi hương thảo dược toát ra từ trong lõi gối. Khác với các loại gối thông thường, chất liệu làm gối thảo dược là vải thô, vải nhuộm chàm, thổ cẩm, họa tiết văn hoa chủ yếu của người Dao, bên trong có lớp bông mềm mại và gói thảo dược có tác dụng xua tan mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ. Hiện mỗi tháng Hợp tác xã bán ra vài trăm sản phẩm gối với nhiều kiểu dáng khác nhau như: gối ngủ, gối dựa, gối cổ, gối ôm… Mỗi chiếc gối có giá bình quân từ 120.000 - 600.000 đồng/chiếc, tùy từng kiểu.

Những chiếc gối thảo dược rất tiện dụng, có thể tháo ra giặt, phơi, đặc biệt túi thảo dược có trong lõi gối đã qua xử lý chống ẩm mốc nên chỉ cần phơi qua là tái sử dụng. Sản phẩm gối của Hợp tác xã chủ yếu bán tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành. Ngoài ra, Hợp tác xã Thiên An còn có các sản phẩm thuốc dược liệu như thuốc tắm của người Dao dành cho ba đối tượng gồm thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh, cho trẻ em và cho người lớn.

Góp phần quảng bá sâu rộng sản phẩm truyền thống của dân tộc Dao ảnh 2HTX Thiên An quảng bá các sản phẩm OCOP trên môi trường mạng Internet. Ảnh: Hoàng Giang-TTXVN

Đến nay Hợp tác xã Thiên An có 4 sản phẩm đã được gắn sao OCOP gồm các sản phẩm thuốc tắm và chuối sấy. Ngoài ra, còn có một số sản phẩm đang lập hồ sơ xét công nhận sản phẩm OCOP cũng liên quan tới dược liệu là thuốc ngâm chân, thuốc xoa bóp và thuốc xông hơi.

Hợp tác xã Thiên An hiện có 15 thành viên và 30 thành viên liên kết, đều là đồng bào dân tộc ít người và là người địa phương, thu nhập trung bình của mỗi thành viên từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã Thiên An đang phát triển vùng dược liệu trên diện tích 10 ha để đảm bảo hoạt động sản xuất liên quan đến văn hóa dược liệu.

Ông Đinh Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết, sản phẩm của Hợp tác xã Thiên An có nét đặc trưng riêng, gắn với văn hóa bản địa, do đó các sản phẩm hiện không đủ cung cấp ra thị trường. Để được người tiêu dùng quan tâm, các sản phẩm liên quan đến thổ cẩm phải làm thủ công nên số lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Hoạt động tốt, không chỉ quảng bá văn hóa dân tộc Dao ra thị trường, Hợp tác xã Thiên An còn góp phần tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Vũ Hoàng Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm