Làng làm nghề thầy lang của người Dao ở Ba Vì

Làng làm nghề thầy lang của người Dao ở Ba Vì
Lương y Triệu Thị Tơ thôn Yên Sơn, Ba Vì, Hà Nội giới thiệu nghề truyền thống và bán thuốc nam chữa bệnh tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Lương y Triệu Thị Tơ thôn Yên Sơn, Ba Vì, Hà Nội giới thiệu nghề truyền thống và bán thuốc nam chữa bệnh tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Kế thừa tri thức bản địa của cha ông

Dưới chân núi Ba Vì (còn gọi Tản Viên Sơn), là nơi có 98% người Dao sinh sống. Vùng núi Ba Vì với đỉnh cao nhất 1.296 m, có môi trường thực vật và động vật vô cùng phong phú, nhất là có nguồn dược liệu quý đa dạng.

Tri thức từ nhận biết cũng như nắm bắt đặc tính, công dụng đến tỉ lệ kết hợp, pha trộn các thảo dược để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe là một kho tàng tri thức quý báu mà người Dao ở đây đã bồi đắp, giữ gìn và trao truyền qua các thế hệ. Người Dao chữa bệnh trọng việc phòng và theo bốn nguyên tắc là trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát và tiệt nọc bệnh.Vì vậy, có nhiều bài thuốc bồi bổ, nâng cao sức khỏe và phòng ngựa bệnh tật, nhất là cho trẻ nhỏ, người già và phụ nữ sau sinh.

Trong các gia đình, cha mẹ, ông bà vốn là người hàng ngày lên rừng tìm hái thảo dược, con cháu sơ chế như phơi, sao vàng rồi sắc lấy nước làm thuốc. Trẻ em trong gia đình sẽ dần được làm quen để nhận biết và phân biệt các loại thảo dược, công dụng cũng như cách chế biến. Ngay trong mỗi gia đình người Dao, việc trao truyền nghề thuốc đã được các thế hệ đi trước gửi gắm, chỉ dẫn cho thế hệ trẻ mà chủ yếu là nữ giới.

Lúc đầu người Dao làm thuốc để tự chữa bệnh cho mình và các thành viên trong gia đình, sau đó là giúp những người bà con láng giềng. Theo truyền thống, người Dao chữa bệnh để cứu giúp, người được chữa trị sẽ đến tạ ơn thầy lang bằng lễ cúng tạ ơn tổ tiên. Người Dao đi khắp trong và ngoài tỉnh để truyền bá về giá trị của thuốc nam gia truyền cũng như để kiếm kế sinh nhai.

Theo Lương y Triệu Thị Hòa - Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để giữ gìn lấy những cây thuốc quý báu này, để những bài thuốc của người Dao sẽ được lưu truyền mãi cho con cháu. Có lẽ đó cũng là mong muốn của tất cả bà con người Dao, những người sinh ra đã gắn bó với từng cái cây, ngọn cỏ ở Ba Vì”.

Nghề cứu người và thoát nghèo

Thuốc nam của người Dao Ba Vì luôn được người Việt ưa chuộng
Thuốc nam của người Dao Ba Vì luôn được người Việt ưa chuộng

Nghề thuốc nam của người Dao Ba Vì ngày càng gặp khó khăn khi nguồn dược liệu trong tự nhiên cạn kiệt, khan hiếm. Để chủ động nguồn dược liệu duy trì và phát triển nghề, đồng bào đã gây dựng vườn thuốc gia đình. Tuy nhiên, có những loại cây dược liệu chỉ có tác dụng khi phát triển 20 năm trở lên.

Mặc dù Hội đông y xã Ba Vì thành lập ngày 30/6/1996, các hoạt động sản xuất thuốc vốn chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát và chưa có liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng là hạn chế lớn trong việc phát triển nghề bốc thuốc cũng như đem lại thu nhập tốt của người làm nghề.

Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Rockerfeller, quỹ châu Á và Trung tâm Môi trường và phát triển cộng đồng, Dự án “Phát triển mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội”, nghề bốc thuốc của đồng bào từng bước được quy hoạch, hỗ trợ phát triển. Các dược sỹ từ các trường Đại học Y, Dược Hà Nội tới tập huấn cho lương y người Dao ở ba bản Yên Sơn, Hợp Nhất và Hợp Sơn về cách thức bảo tồn bền vững, thu hái chế biến sản phẩm thảo dược để tiến tới đăng ký “thương hiệu Làng nghề thuốc”. Nhờ đó, những hộ gia đình người Dao đã được giúp đỡ lập vườn ươm nhân giống dược liệu, cung cấp giống thuốc mới, hỗ trợ chế biến, sử dụng dụng cụ phơi sấy đơn giản. Đặc biệt, Quỹ và Dự án khuyến khích đồng bào thành lập công ty thuốc, khác với mô hình hợp tác xã đã có trước đây.

Từ năm 2008, UBND xã Ba Vì thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả tri thức dân gian về nghề thuốc nam cũng như bảo tồn nhiều loài dược liệu quý và đưa nghề thuốc truyền thống này phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào.

Ngày 28/2/2012, Công ty Cổ phần thuốc người Dao Ba Vì gồm những công ty nhỏ của cộng đồng người Dao (chiếm hơn 50% vốn) và do đồng bào góp vốn, góp đất, góp bí quyết bài thuốc, góp nguyên vật liệu xây dựng... chính thức đi vào hoạt động. Nhiều bài thuốc gia truyền được nghiên cứu một cách khoa học tại trường Đại học Dược Hà Nội rồi sau đó chuyển giao lại cho các lương y dưới dạng góp cổ phần. Người Dao tham gia như nhân viên công ty, hợp đồng trồng và cung cấp dược liệu cho công ty.

Năm 2012, xã Ba Vì đã quy hoạch được hơn 5 ha đất rừng để chuyên trồng và chế biến thuốc Nam. Từ việc gây dựng vườn dược liệu trong gia đình một cách nhỏ lẻ, tự phát, đồng bào đã được trang bị kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu và vườn dược liệu quy mô lớn.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì xây dựng đề án “Tổng Kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” 2013 - 2015. Tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì đã được đưa vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội cần được ưu tiên bảo vệ.

Sơ chế thuốc nam của người Dao Ba Vì
Sơ chế thuốc nam của người Dao Ba Vì

Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các nguồn lực xã hội và tình yêu với nghề, nghề thuốc không chỉ được người Dao gìn giữ để chữa bệnh cứu người mà còn thay đổi cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững.


Theo thống kê ở sách “Cây thuốc người Dao Ba Vì”, trong số 1.209 loài thực vật có trong rừng Quốc gia Ba Vì, có tới 507 loại cây cỏ người Dao dùng làm thuốc chữa bệnh về thận, xương khớp, dạ dày, sinh đẻ, bệnh ngoài da… Trong số đó có tới khoảng 165 loại thuốc hay được người Dao sử dụng nhất. Nhiều loài cây được người Dao Ba Vì sử dụng để chữa bệnh cứu người nhưng các chuyên gia chưa thể nhận diện, định tên.
Theo: langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm