Sen là một trong những ngành hàng được bổ sung trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Mục tiêu phát triển ngành này hiệu quả, chất lượng để nâng cao chuỗi giá trị cây sen trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất sen hồng.
Tỉnh Đồng Tháp hướng đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 khoảng 1.350 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn, năng suất trung bình đạt 8,5 tạ/ha.
Diện tích trồng sen nhiều nhất ở Đồng Tháp tập trung tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình. Đồng Tháp hiện trồng hơn 360 ha, với 6 loại sen. Trồng sen ở Đồng Tháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích hợp với vùng đầm trũng, nước nhiễm phèn. Sen Đồng Tháp một năm được trồng 2 vụ chính và có chi phí đầu tư tương đối thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Theo đánh giá của hầu hết các hộ dân tham gia trồng sen, lợi nhuận trồng sen lãi gấp từ 4- 6 lần so với trồng lúa.
Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ trồng để bán gương, ngó và giờ đây cây sen được sản xuất đa dạng sản phẩm, tạo giá trị đặc thù riêng cho chuỗi giá trị từ cây sen như: sản xuất tinh dầu sen, trang sức về sen, tơ sen, hoa sen sấy khô, sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, trà sen, bông sen, nước uống đóng chai tinh chất sen…. Đồng thời, là sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch như: ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tìm hiểu các giá tri ̣văn hóa gắn với sen.
Ông Lê Văn Ngọt, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, Tháp Mười chọn ngành hàng sen trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Tổng diện tích trồng sen của huyện gần 400 ha với năng suất bình quân hơn 3 tấn/ha.
Tuy nhiên, các sản phẩm từ sen ngày càng đa dạng, việc sản xuất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy. Từ năm 2019 đến nay huyện có 9 sản phẩm từ sen đạt hạng OCOP từ 3 đến 4 sao. Huyện hoàn thành tổ chức họp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2021; trong đó có 4 sản phẩm mới từ sen tham gia đạt từ 3 sao trở lên.
Huyện Tháp Mười đã hình thành khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười, nơi đây ngoài cánh đồng sen rộng lớn hơn 40 ha cho hoa quanh năm đáp ứng nhu cầu của du khách đến địa phương tham quan, ngắm cảnh. Các hộ dân nơi đây còn liên kết làm du lịch cộng đồng với nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ sen như: các lóc gói lá sen, cơm hạt sen, các món gỏi từ ngó sen, hạt sen rang muối ớt... phục vụ ẩm thực tại chỗ cho khách tham quan.
Tại Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười, anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cho biết, trồng sen thu gương, thu ngó còn kết hợp với du lịch, gia đình anh Ngọt trồng 4 ha sen, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng. Với diện tích sen trên đất lúa hiện có, gia đình anh còn kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho khách tham quan vùng trồng sen bằng phương tiện thuyền, khách du lịch thưởng thức các món ăn từ sen, cho nên tăng thêm lợi nhuận từ bán gương sen và làm du lịch.
Ngoài trồng sen kết hợp du lịch, Đồng Tháp còn có 220 sản phẩm được công nhận OCOP từ sen, các sản phẩm làm ra từ bột sen, bột sữa sen, sữa sen, vải dệt từ tơ sen, quà lưu niệm từ sen…
Điển hình với các sản phẩm làm thức ăn, nước uống, nổi bật có dược sĩ Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Thu ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà lá sen, sản phẩm trà lá sen mang tên Hà Diệp Liên. Bên cạnh sản phẩm trà lá sen đặc trưng, anh Huy còn nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác từ sen như: trà hoa sen, nhang sen, rượu sen, thực phẩm chức năng từ sen....hàng năm thu lãi hang trăm triệu đồng.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I - năm 2022 với chủ đề "Sen ngày mới" diễn ra từ ngày 19 - 21/5 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: xác lập kỷ lục 200 món ăn từ sen; tạo dựng cánh đồng sen khổng lồ với nhiều giống sen trong và ngoài nước; giới thiệu 3 bộ sưu tập mới về áo dài và bà ba có hình hoa sen của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, cung đường ánh sáng với khu trải nghiệm hiện đại dành cho du khách ….
Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như: hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100 ha vùng trồng tại Tháp Mười để đưa ra được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất.
Tỉnh Đồng Tháp nâng sao xếp hạng OCOP đối với các sản phẩm từ sen; nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch. Cùng đó, đầu tư xây dựng các ô bao ngăn lũ kết hợp nâng cấp các tuyến đường giao thông, các bãi đậu đỗ xe, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, đảm bảo lưu thông đến các vùng trồng sen kết hợp du lịch sinh thái, phát triển mô hình "Homestay"...
Đồng Tháp tiếp tục thu hút đầu tư các dự án chế biến các sản phẩm từ sen; chú trọng đến việc gia công, chế biến sạch gắn với xây dựng thương hiệu sen để phân phối vào các kênh hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước.
Nguyễn Văn Trí