Gần 380 tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”

Gần 380 tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”

Sau hơn 3 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt- kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giai đoạn 2017- 2020, nhãn hiệu sản phẩm trên đã trở thành thương hiệu số 1 tại Việt Nam với 4 nhóm sản phẩm là rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh công, đến ngày 12/12, Lâm Đồng đã có 379 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Gần 380 tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ảnh 1Không gian hoa dọc trục đường Lê Đại Hành (TP Đà Lạt) hấp dẫn du khách. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Trong số đó, có 318 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm hoa; 46 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rau; 5 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê Arabica và 10 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm du lịch canh nông.

Trong quá trình triển khai, nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được các ngành, các địa phương tập trung truyền thông quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, thông qua các sự kiện lớn của tỉnh là Festivanl Hoa Đà Lạt, Lễ hội Trà và Tơ lụa Bảo Lộc… Qua đó, giúp người tiêu dùng nhận biết, ghi nhớ, hài lòng và tin tưởng thương hiệu này.

Nhờ công tác quảng bá thương hiệu, từ năm 2017- 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau củ của tỉnh Lâm Đồng đã tăng trên 29% về giá trị; xuất khẩu hoa tăng 7,6% về lượng; cà phê tăng 23,7% về lượng xuất khẩu... Thị trường xuất khẩu chủ yếu của các mặt hàng rau củ sang 11 nước khu vực Đông Nam Á, EU, Mỹ, ASEAN; hoa tươi xuất sang 12 nước tại khu vực Đông Á, Australia, châu Âu và ASEAN; cà phê xuất khẩu đi tất cả các châu lục.

Một số mô hình du lịch canh nông được khách du lịch đánh giá cao và tìm đến tham quan khá đông như: vườn trà Cầu Đất Farm của Công ty cổ phần trà Cầu Đất; vườn lan YSA Orchir của ông Phan Thanh Sang; vườn bí ngô khổng lồ của hộ gia đình ông Lê Nguyễn Phúc Đăng; vườn rau và dâu thủy canh Đức Tín; rừng hoa Đà Lạt của Công ty cổ phần sinh học Rừng hoa Đà Lạt…

Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; trong đó đề cao vai trò của các doanh nghiệp trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu đến với nông dân về lợi ích của việc phát triển thương hiệu; vận động, khuyến khích người dân có trách nhiệm trong việc quảng bá thương hiệu; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các doanh nghiệp, nhận thức của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu để tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhằm phát triển và quảng bá thương hiệu hiệu quả…

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm