Dao Phúc Sen lên sàn thương mại điện tử

Dao Phúc Sen lên sàn thương mại điện tử

Không bỏ qua “mảnh đất màu mỡ” là mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, các cơ sở sản xuất dao Phúc Sen đã bắt kịp xu hướng bán hàng online và mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho quảng bá thương hiệu sản phẩm. Có lẽ vì vậy mà bạn bè gần xa biết đến thương hiệu làng nghề dao Phúc Sen ngày một nhiều, đời sống người dân nơi đây cũng được cải thiện đáng kể.

Dao Phúc Sen lên sàn thương mại điện tử ảnh 1Gian hàng trưng bày sản phẩm dao Phúc Sen trong Hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp trong thanh niên gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm", được tổ chức tại Tuyên Quang Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Giá trị “chất” và “thật” giữ ngôi vương

Vượt qua những cung đường "vắt núi" lên huyện vùng cao Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng, bước vào xã Phúc Sen những ngày giáp Tết Nguyên đán 2021, tiếng đe, tiếng búa leng keng, dồn dập, bếp lửa bập bùng và đỏ rực từ tờ mờ sáng đến tối mịt.

Làng dao Phúc Sen vốn nổi tiếng với những sản phẩm dao, kéo, các đồ gia dụng kim khí có độ bền cao, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Tiếng lành đồn xa, qua hàng trăm năm, chất lượng sản phẩm của làng rèn được ví là “chặt sắt không mẻ, chặt đá không mòn” bởi chất lượng dao lúc nào cũng sắc ngọt, sáng bóng thách thức thời gian.

Đáng lưu ý, trung bình tuổi thọ của một con dao Phúc Sen sẽ kéo dài khoảng 20 năm, nếu con dao rèn tốt có thể gắn bó với người đi rừng cả đời.

Để làm được những con dao sắc, bền, bí quyết của làng dao Phúc Sen nằm ở chất liệu và kỹ thuật rèn của người thợ. Vật liệu làm dao được chọn lọc từ những thanh nhíp ô tô bởi chúng có độ rắn và dẻo linh hoạt. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất nằm ở sự tinh tế, khéo léo của người thợ rèn.

Người ta ví nghề rèn là việc làm tổng hợp của mọi giác quan bởi người thợ phải kết hợp giữa tay, sức lực và mắt để cảm nhận sự nung chảy vật liệu, độ rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm, độ sáng, sắc ngọt của sản phẩm. Do đó, để đạt được trình độ ấy, ít nhất người thợ phải phải rèn luyện trong vòng 3-4 năm.

Theo “tay búa” hơn 40 năm Long Văn Chiến, dịp Tết là khoảng thời gian bận rộn nhất, số lượng người đặt rèn các loại dao để sử dụng tăng lên 7-8 lần. Mỗi ngày, vợ chồng ông Chiến bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng.

Các công đoạn để làm ra một con dao sẽ theo trình tự từ việc cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Chính vì thế, trung bình mỗi ngày vợ chồng ông Long Văn Chiến chỉ làm được khoảng 20-30 con dao.

Các sản phẩm đa dạng chủng loại dao thái, dao chặt gà, dao lọc, dao chặt xương, dao đi rừng… với giá bán khoảng 100 – 500 nghìn đồng/sản phẩm tùy theo kích cỡ, kiểu dáng cũng như chức năng sử dụng.

Làng nghề kinh doanh thời 4.0

Mặc dù dao Phúc Sen nổi tiếng và được cả nước biết đến thế nhưng do giá cao hơn các hàng đại trà khiến người tiêu dùng chưa thực sự hiểu hết về chất lượng cũng như phân biệt dao chính hãng.

Bởi vậy, có những thời điểm hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn, khiến làng dao Phúc Sen trở nên điêu đứng và tưởng chừng khó có thể trụ vững để đi tiếp.

Đứng trước nguy cơ mai một, các cơ sở sản xuất dao của làng Phúc Sen buộc phải đưa ra chiến lược quảng bá thông minh bằng cách tận dụng công nghệ 4.0 và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng.

Theo đó, các sản phẩm cần được quảng bá rộng rãi, thay đổi phương thức bán hàng để có thể đi xa hơn trong các hoạt động thương mại hiện đại.

Mạng xã hội và sàn thương mại điện tử được coi là “cánh cửa” cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất năng động mở ra tiêu thụ mới. Đồng thời, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đặc sản vùng miền với giá tốt.

Tiêu biểu như cơ sở sản xuất Long Chiến, Hà Khiêm đã tận dụng mạng xã hội zalo, facebook như biện pháp hóa giải những khó khăn về tiêu thụ, với mức chi phí gần như bằng 0.

Chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, các cơ sở này có thể thành lập các fanpage, tài khoản kinh doanh online, đăng tải các hình ảnh chân thực về sản phẩm, chốt đơn trực tiếp với khách hàng.

Khảo sát mới đây từ các sàn giao dịch thương mại điện tử cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất dao đã bắt đầu “đổ bộ” vào thị trường youtube và phủ sóng trên sàn giao dịch thương mại điện tử như shopee, tiki, sendo, lazada…

Theo anh Lương Tùng, chủ một cơ sở sản xuất dao tại Phúc Sen, hiện nay 70% các sản phẩm bán hàng qua kênh online. Nhờ bán hàng chuẩn và chăm sóc khách tốt mà mỗi ngày anh chốt được 40-50 đơn hàng. Cứ đà này, trong tháng cuối năm này cơ sở của anh Lương Tùng có thể thu về 100 triệu đồng tiền lãi.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở sản xuất dao khác cũng đã bắt đầu ồ ạt livestream bán hàng, rao bán sản phẩm. Vì thế, để tìm hướng đi riêng, cơ sở của anh Lương Tùng đã chọn phương thức thu hút khách hàng ngoại tỉnh bằng chất lượng và các chương trình khuyến mãi giảm 5%, 10%, freeship…

Có thể nói, mạng xã hội và thương mại điện tử là miếng bánh ngon ai cũng muốn giành. Tuy nhiên, bài toán đặt ra làm sao không để tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, hàng kém chất lượng làm mất uy tín làng nghề, là điều các cơ sở sản xuất cần tính đến.

Với những giá trị của làng nghề truyền thống và sự năng động ứng dụng nền tảng số trong kinh doanh, làng nghề dao Phúc Sen đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và Tết 2021 sẽ là một cái Tết “ấm” của bà con xã Nùng An.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm