Nằm trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2022), tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào người Dao đỏ ở tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức tái hiện nghi lễ cưới truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Đồng bào Dao đỏ ở Tuyên Quang có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống. Một trong những nghi lễ đặc sắc còn được lưu truyền cho đến ngày nay là lễ cưới truyền thống.
Nghi lễ đón dâu bắt đầu từ bên nhà trai với đoàn nhạc lễ của người Dao gồm kèn, trống, chiêng, chũm, chọe, thanh la sang nhà gái xin dâu. Trên đường đi qua các bản, người thổi kèn thổi các bài ca chào bản, chào mường. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm 2 con gà, 10 chai rượu, 30 kg gạo và 30 kg thịt lợn để xin được đón cô dâu về.
Trong đám cưới, cô dâu thường mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất do chính cô dâu tự may trước khi cưới gồm: Áo có gắn những chùm tua có màu đỏ rực rỡ phía trước và sau cầu vai, yếm có gắn ngôi sao năm cánh (lùi ton) những hạt và mảnh bạc cùng với hoạ tiết bằng chỉ mầu đỏ và trắng; khăn đội đầu cuốn ngoài, guốc mộc, chùm móc chìa khoá và dây sà tích bằng Bạc. Ngoài ra, cô dâu còn có một chiếc ô được phủ một lớp vải màu đỏ phía ngoài, chiếc ô này do một cô gái phù dâu vừa đi vừa che. Chú rể mặc bộ quần áo truyền thống mới may đầu đội mũ nồi màu đen.
Theo phong tục, trên đường về chú rể, cô dâu được trùm một tấm khăn màu đỏ đen che mặt. Đối với đồng bào người Dao, cô dâu không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ cúng tạ tổ tiên.
Trước khi đến nhà chú rể, cô dâu phải trải qua nghi lễ giải hạn do nhà trai tổ chức.
Đến nhà trai, đoàn rước dâu phải đợi giờ tốt, đợi thầy cúng làm lễ báo với tổ tiên thì mới được vào nhà.
Đến giờ tốt, thầy cúng báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu đã chính thức trở thành con cháu trong gia đình.
Cô dâu, chú rể quỳ lạy trước tổ tiên, nhận chén rượu chúc và buộc dải khăn hồng như thể hiện sợi dây tơ hồng gắn kết tình yêu của họ, như lời chúc phúc cho cuộc sống hạnh phúc bền lâu.
Theo phong tục của người Dao đỏ, sau khi nhà trai đón cô dâu về nhà thì các thành viên của 2 bên gia đình dự bữa cơm thân mừng, uống chén rượu mừng cho cô dâu chú rể… mọi người quây quần trong không khí hạnh phúc.
Đám cưới của đồng bào Dao đỏ mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Đây là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn, phát huy để xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong đời sống hiện nay.
Hoàng Tâm