Đa giá trị từ tái tạo phụ phẩm nông nghiệp

Sản phẩm than nướng sạch khi hoàn thiện được đóng hộp để cung cấp ra thị trường. Ảnh: baosonla.org.vn
Sản phẩm than nướng sạch khi hoàn thiện được đóng hộp để cung cấp ra thị trường. Ảnh: baosonla.org.vn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình sản xuất nông nghiệp mỗi năm đang tạo ra khoảng 160 triệu tấn phế, phụ phẩm. Nếu quản lý không chặt chẽ nguồn phụ phẩm này sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Thực tế, đã có không ít mô hình thu gom, tái sử dụng coi đây là nguồn nguyên liệu vô tận trong kinh tế tuần hoàn.

Đa giá trị từ tái tạo phụ phẩm nông nghiệp ảnh 1Nắm bắt xu thế về sử dụng năng lượng tái tạo, Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh đã và đang tận dụng nguồn phế phụ phẩm từ nông, lâm nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm thân thiện. Trong ảnh: Các phụ phẩm sau khi nghiền nhỏ được cho vào máy ép tạo thành những thanh nhiên liệu ép. Ảnh: baosonla.org.vn

Mùn cưa, bã mía… đã từng được các doanh nghiệp sản xuất thu gom làm nguyên liệu đốt lò hơi. Nhưng nhờ công nghệ, những nguồn phế phẩm này còn tạo ra giá trị cao như viên nén. Tại Sơn La, trước đây một lượng lớn phế phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, như lõi ngô, mùn cưa, vỏ trấu... được các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình thải ra môi trường. Việc xử lý các loại phế thải này thường theo phương thức truyền thống là chôn lấp, ủ phân hay đốt và gây ô nhiễm môi trường.

Nắm bắt xu thế về sử dụng năng lượng tái tạo, Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh đã và đang tận dụng nguồn phế phụ phẩm từ nông, lâm nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường như thanh nhiên liệu ép (viên nén), than nướng không khói, than tre hoạt tính.

Ông Bùi Vân Hoài, Giám đốc công ty cho biết, mỗi tháng công ty thu mua trung bình khoảng 300 tấn lõi ngô, mùn tre và vỏ quả cà phê. Đây là giải pháp không chỉ tạo ra nguồn chất đốt mới có nhiệt lượng cao thay thế than đá mà còn giải quyết được lượng phế thải lõi ngô.

Đa giá trị từ tái tạo phụ phẩm nông nghiệp ảnh 2Sau khi ép và cắt thành từng thanh, than lõi ngô được đưa vào lò, nung ở nhiệt độ cao để cho ra thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Ảnh: baosonla.org.vn

Nhờ sở hữu diện tích sản xuất, chăn nuôi lớn, Tập đoàn TH đã đầu tư, lắp đặt và vận hành hiệu quả dự án “Năng lượng mặt trời áp mái trang trại”, vừa sản xuất điện năng vừa giảm hấp thụ nhiệt cho mái chuồng bò, tăng phúc lợi động vật và giảm stress nhiệt cho gia súc về mùa Hè. Tổng công suất lắp đặt cho mỗi khu vực là 1.199 MWp, tương đương 1.000 KWh, vận hành từ tháng 9/2020. Cùng với đó lượng CO2 thu hồi quy đổi được khoảng 4.600 tấn/năm.

Không chỉ vậy, chất thải từ đàn bò được thu gom, ủ và xử lý không hóa chất để trở thành chất đệm sinh học và phân bón hữu cơ sử dụng trong chuồng trại và rải ra cánh đồng. Ông Phạm Vinh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Phân bón xanh (Tập đoàn TH) cho biết, giai đoạn 2016 - 2017, Tập đoàn TH bắt đầu đầu tư các nhà máy xử lý chất thải. Các phụ phẩm của quá trình chăn nuôi trong trang trại của Tập đoàn TH đều được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón, khẳng định chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Có quy mô chăn nuôi tập trung 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trại, hàng năm mỗi khu trang trại, khu liên hợp sản xuất của Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình đã sử dụng được 30.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất 25.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh.

Đa giá trị từ tái tạo phụ phẩm nông nghiệp ảnh 3Sản phẩm than nướng sạch khi hoàn thiện được đóng hộp để cung cấp ra thị trường. Ảnh: baosonla.org.vn

Trong thời gian qua, Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để thực hiện các mô hình: khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc; chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý phế thải trong chăn nuôi…

Với việc sử dụng nguồn phân bón này, các cánh đồng của TH hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học có nguồn gốc vô cơ có thể gây ra các hậu quả lâu dài cho đất canh tác và môi trường.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình cho rằng, để giảm tải tổn thất về sản phẩm (bằng cách tái chế nâng cấp) cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có, đó là: năng lượng tái chế và sức lao động. Chỉ có thể đáp ứng được các điều kiện mỗi nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái chế.

Theo ông Hà Văn Thắng, phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Phát triển nền kinh tế này phải có sự đa dạng loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản suất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các phụ phẩm trong trồng trọt đã được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ... Chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách. Bột xương, bột gia cầm, bột lông vũ, mỡ động vật là các sản phẩm chính của ngành chế biến, các phụ phẩm giết mổ cũng bắt đầu được tận dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi... Khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến.

Thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản của người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp đã có nhiều mô hình rất hay áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản là nguồn tài nguyên tái tạo.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc sử dụng, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn còn chưa đồng bộ, hiệu quả, lãng phí rất lớn, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông nghiệp đòi hỏi phải chuyển đổi tư duy trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Để nhân rộng các mô hình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và các đơn vị lồng ghép, chuyển giao khoa học công nghệ liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đến các hộ sản xuất, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp.

Bộ cũng nghiên cứu tham mưu đề xuất Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; trong đó có các giải pháp liên quan đến sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên tái tạo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm