Cao Bằng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây

Cao Bằng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh Cao Bằng tăng nhanh. Tuy nhiên, do không có quy hoạch, thiếu sự phân tích yếu tố thị trường, ít doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu hoa quả nên người trồng lúng túng trong giải quyết bài toán nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cao Bằng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây ảnh 1Một vườn thanh lòng được trồng ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Ảnh: caobangtv.vn

Từ năm 2016 đến nay, gia đình bà Triệu Thị Hà (xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình) đã chuyển toàn bộ đất rẫy, đất đồi đổ cột trụ để trồng hơn 2.000 cây thanh long. Đến nay, hơn 70% cây đã và đang cho thu hoạch. Mặc dù thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng thu nhập từ loại cây ăn quả này của gia đình bà Hà và các hộ trồng không ổn định do phải đối mặt với vấn đề được mùa, mất giá. Năm 2021, thanh long cho quả rất sai và thơm ngon nhưng lại bị rớt giá, thanh long ruột đỏ chỉ 10 - 15 nghìn đồng/kg, thanh long ruột trắng càng thê thảm, có thời điểm chỉ 5 - 7 nghìn đồng/kg…

Còn đối với Chị Nông Thị D (xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh), ký ức về trồng cây chanh leo thất bại vẫn khiến chị tiếc nuối. Chị D cho biết, năm 2019, gia đình chị ký kết với một hợp tác xã trên địa bàn bao tiêu sản phẩm để trồng 540 cây giống chanh leo với diện tích trên 4.500 m2; đầu tư mua giống cây, làm giàn, phân bón hơn 50 triệu đồng. Đến thời điểm thu hoạch thì hợp tác xã từ chối thu mua quả chanh leo.

Lúc này gia đình D thật sự hoang mang, lo lắng, thất vọng. Để không mất trắng, gia đình chị phải gánh quả chanh leo mang ra bán tại các chợ phiên. Tuy nhiên, do số lượng lớn, người dân chưa quen với việc sử dụng quả chanh leo trong đời sống hàng ngày nên bán hết vụ chị vẫn không đủ thu hồi vốn đầu tư. Sau mùa vụ thất bại, chị D phải phá bỏ cây chanh leo để trồng các cây trồng khác.

Tình trạng nông dân trồng cây ăn quả tự phát cũng diễn ra ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình. Ông Mạc Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm (huyện Nguyên Bình) cho biết, những năm gần đây, người dân tự phát trồng trên 10 ha các loại cây lê, thanh long, bưởi… Tuy nhiên đến khi thu hoạch, người dân không tìm được đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh.

Mặt khác, do yếu tố biến đổi khí hậu nên hàng trăm cây lê của nông dân xã Minh Tâm không cho sai quả hoặc quả bị sâu không thể thành hàng hóa. Mặc dù xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm định hướng người dân phát triển các cây trồng theo quy hoạch nhưng tình trạng tự phát mở rộng diện tích cây ăn quả hiện vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng…

Cao Bằng hiện có một số cây ăn quả được trồng với diện tích khá lớn và tiếp tục có xu hướng tăng như: cây bưởi hiện có trên 210 ha, tăng trên 83 ha so với năm 2021; khoảng 265 ha cây cam, tăng hơn 69 ha; 274 ha quýt, 256 ha mận 256 ha, tăng khoảng 9,74 ha; cây lê 309,66 ha, tăng 50,14 ha... Một số cây ăn quả đã được trồng với diện tích khá lớn và tiếp tục có xu hướng tăng nhưng không nằm trong định hướng phát triển cây trồng chủ lực mà các địa phương đang khuyến khích mở rộng sản xuất.

Tốc độ gia tăng diện tích trồng cây ăn quả tăng nhanh. Trong khi đó, toàn tỉnh chưa có doanh nghiệp, nhà máy nào chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả. Điều này, khiến hoa quả của Cao Bằng chưa đảm bảo chất lượng trên thị trường, người trồng không thể yên tâm phát triển sản xuất, mở rộng diện tích trồng.

Thời gian tới, để tránh tình trạng người dân tự phát mở rộng diện tích trồng và nâng cao chất lượng trong sản xuất hoa quả, tỉnh sẽ tập trung phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của vùng sản xuất cây ăn quả theo chiều sâu; bám sát lộ trình phát triển bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố hiệu quả kinh tế và mức độ bền vững của các vùng trồng cây ăn quả hàng hóa.

Ông Nguyễn Thái Hà - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng vùng trồng cây ăn quả gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững; lập quỹ dự phòng hỗ trợ nông dân mất mùa; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các loại quả; tập trung nguồn lực đầu tư cho hoạt động về chứng nhận an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Cùng đó, tỉnh tập trung phát triển cây ăn quả đặc sản địa phương có lợi thế cạnh tranh và tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa lớn; chú trọng hình thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực đảm bảo năng suất, chất lượng…

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm