Trước tác động của hàng loạt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, người chăn nuôi tỉnh Cao Bằng có nhiều lo ngại khi tái đàn. Nhằm giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển chăn nuôi như đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi…
Lo ngại khi tái đàn
Do ảnh hưởng từ nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, cùng với biến động của thị trường, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao đã khiến nhiều người dân chăn nuôi lo ngại khi tái đàn.
Hơn 10 năm nuôi lợn, bà Nông Thị Thiệp (xóm Nà Xiêm, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc) cho biết, trước đây, gia đình bà thường xuyên duy trì gần 20 con lợn thịt, 2 con lợn nái. Năm 2021, giá thịt lợn bấp bênh, nhiều lúc giá xuống rất thấp nên nuôi lợn cũng chỉ hòa vốn. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tai xanh ở lợn, dịch lợn tả châu Phi, cúm gia cầm diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm, do đó gia đình bà Thiệp không dám phát triển thêm số lượng lợn nái, lợn thương phẩm.
Hiện nay, gia đình chị Lê Thị Chang (xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) nuôi 8 con lợn nái, 50 con lợn thịt/lứa và 10 con trâu, bò vỗ béo. Chị chia sẻ, gia đình chị luôn quan tâm đến phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, khó khăn nhất của gia đình hiện nay là giá thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá thịt lợn thương phẩm lại thấp. Đơn cử như năm 2020, giá thịt lợn hơi khoảng từ 80 - 85 nghìn đồng/kg, năm 2021 giảm xuống còn từ 40 - 50 nghìn đồng/kg.
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình, người chăn nuôi ngại tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán giảm dưới mức giá thành. Bên cạnh đó, người nuôi cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát.
Bên cạnh đó, chăn nuôi theo hướng bền vững của Cao Bằng gặp nhiều khó khăn khi tổng đàn trâu, bò của địa phương này đang giảm rõ rệt do diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhiều địa phương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu sức kéo giảm; chăn nuôi trâu, bò chủ yếu mang tính tự phát, tận dụng đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên, bởi vậy, chăn nuôi đại gia súc theo quy mô trang trại chưa thực sự phát triển.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để chăn nuôi phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi.
Anh Lý Văn Minh, xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt, huyện Hòa An cho biết, liên tiếp trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bò thương phẩm tiêu thụ chậm, giá xuất bán không cao nên người dân gặp khó khăn trong chăn nuôi. Do vậy, năm nay, thay vì nuôi bò vỗ béo, gia đình anh Minh chuyển sang cải tạo đàn bò cóc bằng giống bò u, tăng đàn bò sinh sản, chờ điều kiện thuận lợi mới xuất bán…
Cùng đó, tập trung phát triển đàn lợn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, hiện nay trang trại lợn của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng Thông Huề (xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh) đang duy trì nuôi hơn 200 lợn nái, từ 700 - 800 con lợn thịt.
Bà Chu Thị Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng cho biết, hiện nay trang trại tự đảm bảo được con giống, không phải nhập giống từ bên ngoài nên hạn chế được nhiều rủi ro do các dịch bệnh trên đàn vật nuôi gây ra. Thời gian tới, trang trại tiếp tục duy trì, phát triển và tăng đàn lợn khi điều kiện cho phép, đồng thời luôn làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, khử khuẩn toàn bộ khu vực chuồng trại…
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng phấn đấu tăng bình quân sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3 - 4%/năm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đạt trên 35,2%; tổng đàn trâu đạt trên 107.400 con, đàn bò đạt gần 120.000 con, đàn lợn đạt 366.982 con, đàn gia cầm đạt 3.119.419 con…
Theo ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đạt được mục tiêu và phát triển chăn nuôi theo theo hướng bền vững, giải pháp đầu tiên thực hiện là đổi mới tổ chức sản xuất chăn nuôi, cơ cấu lại vùng chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, từng bước kiểm soát, liên kết các cơ sở chăn nuôi nông hộ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng quy mô tạo ra số lượng sản phẩm lớn, tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, chú trọng phát triển các loại vật nuôi đặc trưng, đặc sản tại các vùng có tiềm năng, lợi thế; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn và xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; phát triển chăn nuôi gắn với thị trường chế biến và tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững…
Chu Hiệu