Biến thể Omicron có thể là yếu tố giúp chấm dứt đại dịch COVID-19

Nếu Omicron được chứng minh là gây ra tác động ít nghiêm trọng như các báo cáo và nghiên cứu ban đầu cho thấy, biến thể này thực sự có thể giúp con người đạt được miễn dịch cộng đồng.

Bien the Omicron co the la yeu to giup cham dut dai dich COVID-19 hinh anh 1Hình ảnh bơm tiêm,vaccine và biến thể COVID-19 mới Omicron. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài viết: “Liệu biến thể Omicron có thể cứu chúng ta khỏi COVID-19?” được đăng trên trang mạng rt.com, tác giả bài viết David Haggith đã dẫn lại nhận định mới đây của Tiến sĩ Anthony Fauci - Cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ - về biến thể Omicron. Theo đó, ông Fauci đã nhận định rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là điều không hoàn toàn tồi tệ. Theo ông, qua đánh giá các dấu hiệu ban đầu, dường như mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 không cao. Dù còn quá sớm để đưa ra những tuyên bố chính xác về biến thể này, song đến nay, mức độ nghiêm trọng của Omicron “có vẻ không cao” và “đây là các tín hiệu có đôi chút khích lệ”. Các đột biến của Omicron dường như khiến biến thể này có khả năng lây nhiễm sang người cao hơn, nhưng đây có thể không phải là một điều xấu nếu Omicron cho thấy ít khả năng gây bệnh nghiêm trọng hơn. Đó là bởi những người nhiễm Omicron có thể hình thành miễn dịch một cách tự nhiên chống lại tất cả các chủng của virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, đã chỉ trích phản ứng có phần “cực đoan” của các nước phương Tây khi áp đặt các biện pháp hạn chế đối với cá hành khách đến từ các quốc gia khu vực Nam châu Phi. Bà cho biết tất cả các trường hợp nhiễm Omicron mà bà đã chứng kiến ở Nam Phi đều ở thể nhẹ. Nếu trải nghiệm của Nam Phi với Omicron là ví dụ điển hình, thì bệnh COVID-19 mà Omicron gây ra cũng không nghiêm trọng hơn bệnh cúm thông thường và biến thể này còn giúp hình thành miễn dịch chống COVID-19. Bà Coetzee nêu rõ: “Nếu như một số bằng chứng cho thấy Omicron là loại biến thể lây lan nhanh với các triệu chứng chủ yếu là nhẹ đối với phần lớn những người mắc phải, đó sẽ là một yếu tố hữu ích trên con đường đạt đến miễn dịch cộng đồng”.

Tiến sĩ Mỹ Houman Hemmati còn cho rằng Omicron có thể giúp chấm dứt đại dịch COVID-19. Theo ông, về mặt giả thuyết, nếu Omicron không gây bệnh nghiêm trọng mà ngược lại có khả năng lây nhiễm cao đến mức mọi người đều mắc phải, nhiều người sẽ hình thành kháng thể tự nhiên để chống lại các biến thể nguy hiểm khác trong tương lai.

Theo Giáo sư Anatoly Altshtein tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ quốc gia Gamaleya ở Moskva (Nga), biến thể Delta có thể sẽ biến mất và Omicron sẽ thay thế và chiếm chủ đạo nhưng đại dịch COVID-19 sẽ không còn nguy hiểm như những gì mà Delta gây ra. Nếu tỷ lệ tử vong mà virus SARS-CoV-2 gây ra tương đương với bệnh cúm, có thể xem như đại dịch đã kết thúc.

Một số nghiên cứu đã thực sự cho thấy khả năng miễn dịch được hình thành sau khi mắc COVID thì mạnh hơn và lâu dài hơn so với miễn dịch được hình thành sau khi tiêm vaccine. Một nghiên cứu ở Israel, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, đã xem xét các hồ sơ y tế của hàng chục nghìn người Israel và tiết lộ rằng những người đã từng mắc COVID có khả năng miễn dịch chống lại biến thể Delta mạnh hơn những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy miễn dịch tự nhiên được đánh giá là có khả năng bảo vệ lâu dài hơn so với việc được hình thành sau tiêm chủng.

Phương Oanh

Tin liên quan

Quan chức WHO đánh giá Omicron không gây bệnh nặng hơn các biến thể trước

Ông Michael Ryan - giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - đánh giá biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có lẽ không gây bệnh nặng hơn các biến thể trước đây, cũng như "ít khả năng" biến thể này né tránh được hoàn toàn sự phòng ngừa của vaccine.


Biến thể Omicron có thể "né tránh một phần" vaccine của Pfizer

Giáo sư Alex Sigal, người đứng đầu một phòng thí nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở Nam Phi, ngày 7/12 cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể “né tránh một phần” sự phòng ngừa của vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.


Nghiên cứu của Nam Phi mang lại những hiểu biết sơ bộ về biến thể Omicron

Chỉ hơn 1 tuần sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức đặt tên biến thể của virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện gần đây là Omicron và xác định đây là một biến thể đáng lo ngại, biến thể này đã được phát hiện ở ít nhất 38 quốc gia trên toàn cầu. Một số báo cáo mới đây ở Nam Phi đã cung cấp một số thông tin ban đầu về biến thể mới này.


Triển vọng phát triển vaccine phòng ngừa biến thể Omicron

Kể từ khi biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 với hàng chục đột biến xuất hiện, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về biến thể này. Liệu biến thể này có "né tránh" được “hệ thống phòng thủ” của các loại vaccine hiện nay hay không? Liệu nó có lây lan rộng như biến thể Delta hay mất dần như biến thể Beta? Trong khi giới chức y tế còn phải tìm hiểu về biến thể mới, các công ty dược phẩm cho biết có thể nhanh chóng sản xuất được các loại vaccine mới.


Những điểm giống và khác nhau giữa hai biến thể Omicron và Delta của virus gây bệnh COVID-19

Hiện các nhà khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua để "giải mã" Omicron- biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Cho đến nay, giới nghiên cứu đã chỉ ra một số đặc điểm giống và khác nhau giữa biến thể này và biến thể Delta đang là biến thể gây bệnh chủ đạo trên thế giới.


Biến thể B.1.1.529 (Omicron) nguy hiểm thế nào?

Sau khi WHO ngày 26/11 cảnh báo biến thể của Omicron (B.1.1.529) là biến thể đáng quan ngại, hàng loạt quốc gia đã nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để đối phó với biến thể mới này. Đáng lo ngại là việc biến thể Omicron có thể né tránh kháng thể do vaccine tạo ra đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới thành quả chống dịch COVID-19 mà nhân loại đã đạt được trong thời gian qua.



Đề xuất